DN thiếu vốn trong khi nhà đầu tư nước ngoài khó đổ tiền vào cổ phiếu của DN niêm yết. Ảnh: Nhã Chi |
Các sản phẩm này cũng được giới tài chính, nhà đầu tư khuyến nghị thể chế hóa tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán để góp phần đa dạng sự lựa chọn cho nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp (DN) có thêm công cụ huy động vốn.
Nhà đầu tư không mặn mà nới room
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã tiến một bước rất xa, cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 100% cổ phiếu của DN niêm yết là các công ty đại chúng nếu như DN đó không hoạt động trong những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay mới chỉ có vài chục DN nới room lên 100%. Các nhà đầu tư không mặn mà vì 2 lý do chính. Một là, nếu nới lên trên 51% thì lập tức nhà đầu tư nội bị đối xử như một nhà đầu tư nước ngoài, bị hạn chế nhiều hoạt động trong nền kinh tế khiến DN cân nhắc. Hai là, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài hiện nay rất nhiều cùng thủ tục phức tạp.
Nghiên cứu về việc tăng cường tiếp cận vốn và đề xuất cho thị trường Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital nhấn mạnh, thị trường chứng khoán có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng hiện nay tại Việt Nam, thị trường này phát triển chưa xứng tầm. Tính đến ngày 31/12/2018, quy mô thị trường chứng khoán khoảng 170 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ tín dụng khoảng hơn 300 tỷ USD. Trong số 170 tỷ USD, tới 90% vốn hóa tập trung vào khoảng 150 công ty hàng đầu.
Đáng lưu ý, nghiên cứu của Dragon Capital tại hai sàn (Hà Nội, TP.HCM) chỉ ra, vốn hóa hai sàn này khoảng 145 tỷ USD, nhưng tổng vốn hóa nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ đạt 35 tỷ USD, số cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu còn lại là 18 tỷ USD. Nhìn kỹ hơn con số 18 tỷ USD, ông Tuấn phân tích, đâu đó 50% cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu của Vingroup (7,2 tỷ USD) và 3 công ty khác (VNM, NVL và POW) chiếm 2 tỷ USD; số cổ phiếu còn lại nhà đầu tư nước ngoài được quyền đầu tư bình quân khoảng 10 triệu USD/công ty - con số quá nhỏ. “Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về giá”, ông Tuấn nói.
Cần trao công cụ huy động vốn
Về công cụ huy động vốn trên thị trường hiện nay, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, nhiều quốc gia có các công cụ huy động vốn khác nhau để phục vụ cho phát triển. Điển hình như Thái Lan có sản phẩm Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết (NVDR), cổ phiếu không có quyền biểu quyết được giao dịch nhiều ở Nhật Bản và Malaysia… Song tại Việt Nam chưa có những sản phẩm này. “Khi thị trường thiếu đi công cụ sẽ thiếu đi sự hấp dẫn, từ đó ảnh hưởng đến các công ty niêm yết huy động vốn đưa vào sản xuất kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP.HCM đề xuất giải pháp tháo gỡ giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài trên Sở GDCK TP.HCM với 2 sản phẩm nghiên cứu. Một là cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Hai là sản phẩm NVDR - chứng chỉ được phát hành bởi tổ chức phát hành, tự động niêm yết trên sở GDCK. Việc phát hành và thu hồi NVDR được thực hiện theo cơ chế tự động ngay khi lệnh mua/bán cổ phiếu cơ sở được giao dịch thành công. Với 2 sản phẩm nghiên cứu, bà Hà kiến nghị nên sử dụng NVDR, bởi đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tuân thủ chặt chẽ các quy định, đồng thời bảo vệ quyền lợi các bên liên quan. Ngoài ra, NVDR cũng đảm bảo tư cách pháp nhân riêng, tách bạch giữa sở GDCK và tổ chức phát hành NVDR.
Cũng cho rằng NVDR có nhiều ưu điểm hơn so với cổ phiếu không có quyền biểu quyết, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, mô hình này có tính minh bạch cao, thuận tiện trong giao dịch, nhất là không mâu thuẫn với các quy định của Luật Doanh nghiệp hay Luật Chứng khoán… Nhiều ý kiến khác cũng khuyến nghị cần thiết đưa công cụ NVDR vào hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Câu chuyện đặt ra là nếu hình thành công cụ này thì sẽ được thể chế hóa ở đâu, tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán hay cả hai luật này? Gợi ý về vấn đề này, một số luật sư cho rằng, có 3 luật cần quan tâm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Ngân hàng Nhà nước. Ông Hiếu cho rằng, cần có thể chế chính sách cho các công cụ này, bởi tiềm ẩn ở đó có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nếu du nhập NVDR thì tổ chức phát hành do đơn vị nào lập ra; kinh nghiệm về giới hạn mức thử nghiệm ra sao…