Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã triệu tập nhiều cá nhân là lãnh đạo của các ngân hàng nhưng một số người xin vắng mặt |
Vào tháng 2/2018, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung sau khoảng 1 tháng xét xử. Một nội dung yêu cầu điều tra bổ sung là để làm rõ hành vi của một số đối tượng liên quan, tránh bỏ lọt tội phạm.
Sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng, không phát sinh tình tiết mới nên giữ nguyên quan điểm truy tố. Đồng thời, Cơ quan điều tra (CQĐT) tiếp tục đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các bị can: Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái.
Được biết, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trầm Bê cho rằng, cùng 1 hành vi cho các công ty của Phạm Công Danh vay tiền nhưng chỉ một mình bị cáo bị truy tố trong khi các ngân hàng còn lại không bị truy tố.
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã triệu tập nhiều cá nhân là lãnh đạo của các ngân hàng để làm rõ. Tuy nhiên, một số người xin vắng mặt và đề nghị Tòa án sử dụng lời khai tại CQĐT.
Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã yêu cầu điều tra bổ sung, củng cố tài liệu, chứng cứ đối với các đối tượng liên quan chưa khởi tố để xác định diện đối tượng cần xử lý hình sự, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành hỏi cung một số bị can, lấy lời khai của một số đối tượng liên quan.
Bị can Đặng Thị Bích Thủy, nguyên Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm kinh doanh hội sở TPBank khai: Tháng 4/2013, Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt đến gặp Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank để hỏi về thủ tục vay vốn.
Ông Lê Quang Tiến đã gọi điện giới thiệu Nguyễn Việt Hà đến gặp Thủy để hỏi thủ tục vay tiền cho một số khách hàng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Ban đầu, Ủy ban Tín dụng TPBank nhiều lần không chấp nhận khoản vay. Sau đó, Nguyễn Việt Hà đưa tài sản bảo đảm cho các khoản vay là tiền gửi của VNCB. Lúc này, Ủy ban Tín dụng TPBank mới chấp nhận và yêu cầu trình hồ sơ cụ thể.
Có 11 công ty đã đề nghị TPBank cấp tín dụng để mua trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành, mục đích phát hành trái phiếu là để đầu tư Khu phức hợp dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay chính là số lượng trái phiếu và bảo lãnh bằng tài khoản tiền gửi của VNBC tại TPBank.
Tổng số tiền 11 công ty này đã vay của TPBank là 1.706 tỷ đồng. Ngân hàng Xây dựng đã sử dụng các khoản tiền gửi tại TPBank với tổng số tiền là 1.706 tỷ đồng để bảo lãnh cho 11 công ty này vay vốn.
Đến tháng 4/2014, với lý do là một số công ty không xuất trình được hồ sơ thể hiện việc triển khai Dự án Đầu tư Khu phức hợp dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng và Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng, TPBank đã tiến hành thu hồi nợ trước hạn.
Trong bản kết luận điều tra trước đó, CQĐT nhận thấy một số lãnh đạo cao cấp trong HĐQT, Ban giám đốc và một số nhân sự khác trong Hội đồng tín dụng của ngân hàng này chưa thực hiện đúng Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho vay đối với nhóm công ty của bị can Danh.
Tuy nhiên, kết quả xác minh tại TPBank cho thấy, sau khi xử lý tài sản bảo đảm của VNBC để thu hồi nợ, TPBank đã thu hồi được toàn bộ số tiền cho vay và không bị thiệt hại gì.
Theo cáo buộc, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và tổ chức đại hội cổ đông, Phạm Công Danh được bầu vào HĐQT VNCB, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Do không thể cho các công ty có liên quan đến bản thân vay tiền từ VNCB, Phạm Công Danh đã sử dụng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để bảo lãnh cho một nhóm tổng cộng 29 công ty vay tiền tại 3 ngân hàng này.
Sau đó, các ngân hàng đã xử lý tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB để thu hồi nợ. Theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, việc này gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.