CNN: Fed đang thua trong cuộc chiến chống lạm phát?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không ai mong đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dập tắt lạm phát một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sau 7 tháng mạnh tay tăng lãi suất, ngân trung ương này gần như không thể khiến lạm phát suy giảm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo CNN, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 công bố hôm 13/10 không khả quan hơn so với hồi tháng 3 - khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Thời điểm đó, chỉ số CPI tăng 8,5% so với một năm trước. Bây giờ, tỷ lệ này tăng 8,2%.

CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động và được nhiều người coi là thước đo lạm phát đáng tin cậy hơn) tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất kể từ năm 1982.

“Báo cáo lạm phát hôm 13/10 là một thảm hoạ không thể cứu vãn nổi. Nó cho thấy, bất cứ điều gì Fed đang làm, mọi thứ đều không hiệu quả”, ông Christopher S. Rupkey - Nhà kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu tài chính Fwdbonds nhận xét.

Fed đã quyết tâm kiềm chế lạm phát bằng bất cứ cách nào cần thiết, chẳng hạn như triển khai các đợt tăng lãi suất lớn với hy vọng làm giảm nhu cầu đối với hàng hoá và dịch vụ.

Tuy nhiên, dù lãi suất đang tăng với tốc độ chưa từng có, rất ít dấu hiệu cho thấy giá cả sẽ giảm xuống. Dẫu vậy, Fed vẫn kiên quyết đi trên con đường đã chọn, và cược rằng thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ có thể chịu đựng được áp lực khi chi phí đi vay cao hơn.

Theo ông Jan Szilagyi - CEO của công ty nghiên cứu đầu tư Toggle AI, Fed coi báo cáo lạm phát mới đây như "một kiểu giấy phép cho phép họ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách”.

Báo cáo lạm phát tháng 9 là dữ liệu kinh tế lớn cuối cùng mà các nhà hoạch định chính sách của Fed có được trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo vào đầu tháng 11. Giới đầu tư dự báo, Fed sẽ có lần tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp với mức tăng 75 điểm cơ bản.

“Một vài cơn đau”

Fed đang dựa vào "vũ khí mạnh nhất" của mình để ổn định giá cả - đó là lãi suất.

Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng, tác động từ lãi suất tăng cao sẽ mang đến "một vài cơn đau" cho các hộ gia đình và doanh nghiệp - một cách nói hoa mỹ về việc tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Giờ đây, việc gây ra một vài nỗi đau thay vì để lạm phát ngấm sâu vào tâm lý người tiêu dùng đã trở thành "câu thần chú" của Fed. Trong biên bản cuộc họp tháng trước, các quan chức Fed nhấn mạnh rằng "cái giá của việc hành động quá ít có thể đắt hơn nhiều so với cái giá của việc hành động quá tay".

Nói cách khác, Fed thà đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái (và có khả năng sẽ kéo theo nền kinh tế toàn cầu xuống vực cùng) hơn là cuốn vào một vòng xoáy lạm phát. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa rằng, người tiêu dùng đang phải gánh chịu đồng thời giá cả đắt đỏ và chi phí đi vay cao hơn.

Chẳng bao lâu, nỗi đau đó có thể sẽ được nhân lên bởi tình trạng thất nghiệp tràn lan - hay theo cách nói của Fed là “thị trường lao động suy yếu”.

Fed tin rằng, thị trường lao động quá vững mạnh đã góp phần gây ra lạm phát, bên cạnh một loạt yếu tố nằm ngoài quyền kiểm soát của ngân hàng trung ương này, chẳng hạn như gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột tại Ukraine và việc các tập đoàn tăng giá bán ngay cả khi chi phí sản xuất của họ đi xuống.

Theo CNN, kết quả lý tưởng nhất được Fed mong đợi là tỷ lệ thất nghiệp tăng vừa phải và giá cả sẽ hạ nhiệt - kịch bản “hạ cánh mềm” nền kinh tế; tuy nhiên, khả năng để xảy ra kịch bản này là bằng 0.

Fed đang thua trong cuộc chiến chống lạm phát?

So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm ở Mỹ đã tăng 13% trong tháng 9. Chỗ ở, hạng mục chiếm 1/3 rổ CPI, tăng 6,6% - mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm.

CNN nhận định, cho đến nay, Fed rõ ràng không chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, tác động của các đợt tăng lãi suất có thể phải mất nhiều tháng để cảm nhận được trong nền kinh tế thực.

Hoặc, như Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard từng chia sẻ trong một phát biểu đầu tuần này: “Đến nay, nhu cầu mới chỉ điều chỉnh một phần dưới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt”.

Bà Brainard lưu ý rằng, thị trường bất động sản đang chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất từ các đợt tăng lãi suất. Lãi suất cho vay thế chấp - vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất chuẩn của Fed, đã tăng hơn hai lần trong năm nay.

“Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến các dữ liệu phản ánh hai câu chuyện khác nhau trong cùng một nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Sam Khater của Freddie Mac phát biểu. “Tăng trưởng mạnh về việc làm và tiền lương đang giữ bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng ở trạng thái dương, trong khi lạm phát dai dẳng, nỗi lo suy thoái, và giá nhà đắt đỏ đang đẩy nhu cầu mua nhà giảm nhanh”.

Báo cáo CPI công bố ngày thứ Năm phản ánh một thực tế là hàng triệu người Mỹ hiện đã cảm nhận sâu sắc về việc họ phải chi nhiều hơn trong thu nhập của mình cho những hàng hoá và dịch vụ cơ bản, thiết yếu như thực phẩm và chỗ ở. Ngày càng có nhiều người phải ứng phó với lạm phát bằng cách dựa vào thẻ tín dụng, và họ càng khó trả nợ hơn khi lãi suất tăng lên.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm ở Mỹ đã tăng 13% trong tháng 9. Chỗ ở, hạng mục chiếm 1/3 rổ CPI, tăng 6,6% - mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm.

Chuyên gia Rupkey tại Fwdbonds cho rằng, việc Fed tăng lãi suất có thể đã bước đầu thành công trong việc làm dịu giá hàng hoá cơ bản, nhưng Fed đang thua nếu xét đến sự leo thang của giá cả trong lĩnh vực dịch vụ.

“Báo cáo lạm phát mới đây đưa nền kinh tế đến gần hơn bao giờ hết một cuộc suy thoái trong năm tới”, ông Rupkey nhận định.

Chuyên đề