Chuyện kể về những “ông lớn” nhà thầu Việt

(BĐT) - Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng cộng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt của Việt Nam thời gian qua đã dẫn đến sự ra đời của hàng nghìn nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng. Để tạo dựng được thương hiệu, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài, nhà thầu xây dựng Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều. 

Báo Đấu thầu giới thiệu 3 gương mặt: Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons) trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) hoạt động xây lắp và Tổng công ty Sông Đà trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy điện, hạ tầng.

Chuyện kể về những “ông lớn” nhà thầu Việt ảnh 1

1. Lilama - khó khăn là để thử thách

Nếu như tại Việt Nam Coteccons là số 1 về xây dựng dân dụng thì không nhà thầu nào có thể vượt qua Lilama trên lĩnh vực chế tạo và lắp máy. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Lilama đã ghi đậm dấu ấn của mình trên khắp các công trình trọng điểm của cả nước như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Thủy điện Sơn La, Khí điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, Dự án Nhà Quốc hội, Lọc dầu Dung Quất… Lilama cũng đảm nhiệm tổng thầu EPC các nhà máy lớn như Nhiệt điện sông Hậu 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, tham gia xây lắp các công trình Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Thái Bình 1&2, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Long Phú, Nhiệt điện Duyên Hải…

Thời gian qua, các đơn vị trong Tổng công ty đã có những chuyển biến nhanh nhạy với thời cuộc, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đạt được những thành quả tích cực. Nhiều sản phẩm của các đơn vị thành viên Lilama đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như các nước G7.

Có lẽ “bí quyết” giúp Lilama thành công là luôn tạo ra môi trường để các kỹ sư khẳng định tài năng và sự sáng tạo của mình. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Lilama nhấn mạnh: “Nếu không có việc khó sẽ không chọn được người tài và để giữ được người tài, phải biết trân trọng giá trị họ đã tạo ra”. Nhiều người từng nhận xét, môi trường làm việc của Lilama có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những người yêu nghề cơ khí. Tại Lilama luôn có những công việc khó khăn để thử thách mọi thành viên, sự thành công sau những việc khó tiếp thêm niềm đam mê cho nhiều thế hệ.

Chuyện kể về những “ông lớn” nhà thầu Việt ảnh 2

2. Coteccons - “tự lớn” thần tốc

Năm 2016, Coteccons đã chiến thắng nhiều nhà thầu quốc tế để giành quyền thi công Dự án The Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ 8 trên toàn thế giới, khẳng định vị thế và đẳng cấp nhà thầu Việt trên lĩnh vực xây dựng.

Trong khoảng 15 năm, Coteccons đã phát triển một cách thần tốc, từ một cái tên nhỏ nhoi đã vươn lên trở thành nhà thầu bậc nhất Việt Nam, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 15,2 tỷ đồng. Chấp nhận là “người làm thuê” một cách chuyên nghiệp, Coteccons trúng thầu hàng loạt công trình tổng thầu thiết kế và thi công, đặc biệt là những công trình có độ khó cao, tiến độ thi công gấp rút. Chia sẻ về khả năng “tự lớn” của Coteccons, Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương cho rằng: “Coteccons có được ngày hôm nay là do sự ủng hộ của nhiều người, của chủ đầu tư, của đối tác, của anh em trong doanh nghiệp, cá nhân tôi chỉ nỗ lực hết mình và cùng chia sẻ với mọi người”.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, chủ đầu tư dự án chung cư xanh lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam theo tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ khẳng định: “Giao công trình cho ông Dương mới thấy yên tâm”. Không chỉ bà Mẫu mà nhiều chủ đầu tư cũng chung nhận xét như vậy. Theo dõi Coteccons nhiều năm mới thấy, công ty này chú trọng tất cả các yếu tố để tạo nên một doanh nghiệp mạnh, từ đầu tư công nghệ đến quản trị doanh nghiệp, thu hút nhân tài, xây dựng hình ảnh. Tuy nhiên, để có một Coteccons của ngày hôm nay, không thể phủ nhận vai trò của ông Trần Bá Dương, một người am hiểu kiến thức về xây dựng, kinh tế và rất “say nghề”.

Chuyện kể về những “ông lớn” nhà thầu Việt ảnh 3

3. Sông Đà - nhà thầu thủy điện số 1

Sau nhiều năm “chinh chiến” tại các công trình thủy điện, Sông Đà là thương hiệu không đối thủ trên lĩnh vực thi công các công trình tại khu vực miền núi. Bản lĩnh và kinh nghiệm thi công của họ được khẳng định qua nhiều công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Yaly… Sông Đà cũng là đơn vị thi công Thủy điện Xekaman 1 và Xekaman 3 trên đất bạn Lào.

Điểm nổi trội của Sông Đà là luôn lập được biện pháp thi công khả thi nhất ở tất cả mọi công trình. Đơn cử như tại Thủy điện Bản Vẽ, Sông Đà đảm nhận phần việc thi công khó nhất trong mặt bằng chật hẹp thì không vấn đề gì, trong khi đó một đơn vị khác làm đường phụ trợ lại đổ đất không đúng vị trí dẫn đến lệch dòng chảy, xói lở khu vực bản làng của bà con huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) khiến Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 nhiều phen khốn đốn.

Tại công trình Thủy điện Rào Quán (Quảng Trị), nhiều phần thi công khó đơn vị khác trúng thầu nhưng phải thuê lại Sông Đà 2 thực hiện. Chưa kể đến chuyện kỹ sư Sông Đà khi đi qua hố móng nhà máy đã cảnh báo đơn vị bạn đổ đất không đúng vị trí, đất đá sẽ chảy xuống vị trí đang thi công nếu gặp mưa, khổ nỗi “bạn” không nghe, hạng mục này sau đó chậm 4 tháng do phải múc từng xô bùn mang đổ nơi khác.

Sở hữu trong tay “đội quân” thi công tinh nhuệ, năng lực và bản lĩnh Sông Đà được thử thách không phải ở độ khó ở công trình mà là tinh thần xả thân vì công việc. Một cán bộ của Sông Đà kể rằng, thời điểm Thủy điện Sơn La gặp mưa lũ lớn, cả con đập đang thi công có chỗ lõm vào, toàn bộ lực lượng thi công đều lao vào giữ đập. Khi giữ được đập và rút về lán trại, cả ngàn người trên công trường mới bình tâm lại và có thời gian để sợ.

Có thể nói, sự thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng điều giúp những nhà thầu số 1 thành công đôi khi lại rất giản dị, đời thường. Họ thành công nhờ biết quy tụ nhân tâm, biết cách khơi dậy đam mê và sự tận tâm của những người xung quanh để cùng hướng tới tương lai. 

Chuyên đề