Chính sách thu hút FDI: “May đo” chứ không “may sẵn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tốc độ dịch chuyển dòng vốn này nhanh hơn, quy mô, toàn diện và rõ nét hơn.
Để thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển, các địa phương cần có bộ phận xúc tiến đầu tư chuyên trách, chuyên nghiệp, có tầm nhìn dài hạn với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo chính quyền. Ảnh: Lê Tiên
Để thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển, các địa phương cần có bộ phận xúc tiến đầu tư chuyên trách, chuyên nghiệp, có tầm nhìn dài hạn với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo chính quyền. Ảnh: Lê Tiên

Để chớp thời cơ thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cũng như giải pháp đột phá, mặc dù chúng ta được nhận định là có nhiều lợi thế cạnh tranh nổi trội so với các nước khác trong khu vực.

Cần những giải pháp đột phá mạnh mẽ

Theo ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trước tiên phải xác định được mục tiêu của việc thu hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch này là gì, nó mang lại lợi ích gì, chứ không nên cuốn vào vòng xoáy thu hút FDI bằng mọi giá. Việt Nam nên tập trung thu hút những dự án chất lượng cao, sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, không sử dụng lao động giá thấp và kiên quyết từ chối những nhà đầu tư coi Việt Nam là “thiên đường thuế”... Điều này phù hợp với chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Ông Cung phân tích, điều đầu tiên nhà đầu tư cần là chính sách, luật pháp của Việt Nam phải ổn định, văn bản pháp luật phải cụ thể, thực thi phải dự đoán được, không có chi phí không chính thức hay “chi phí gầm bàn”. Những đối tác như Hoa Kỳ, EU... thường coi trọng việc tuân thủ luật pháp, nếu quốc gia nào có mức độ rủi ro pháp lý cao thì họ sẽ tránh đầu tư. Do đó, Việt Nam cần sớm khắc phục và cải thiện hệ thống luật pháp theo hướng này.

Theo khuyến nghị của ông Cung, cần thiết kế những chính sách “may đo”, không “may sẵn” thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư có chất lượng. Mục tiêu của cuộc chơi này là cả hai bên cùng thắng. Nếu phát hiện có vấn đề gì còn bất cập, thì phải tập trung giải quyết vấn đề đó trước sao cho có lợi cho nhà đầu tư, thì mới thu hút được cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Muốn làm được thì lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, nếu không giải quyết được thì phải báo ngay lên cấp cao hơn để nhanh chóng tìm cách tháo gỡ.

“Tránh gọi đây là cuộc đua, tạo nên sức ép cho các địa phương chạy theo thành tích, phải thu hút được càng nhiều càng tốt, mà bỏ qua tiêu chí sàng lọc về môi trường, công nghệ... Điều quan trọng nhất mà các địa phương cần làm hiện nay là yếu tố con người. Đó là phải có một bộ phận xúc tiến đầu tư chuyên trách, chuyên nghiệp, có tầm nhìn dài hạn với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo chính quyền”, ông Cung lưu ý.

Đồng thuận với quan điểm cần có cách tiếp cận chính sách đột phá của ông Cung, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, các bộ ngành đang thiết kế các gói chính sách phù hợp với nhà đầu tư, chứ không phải “hàng chợ”. Trong đó, lấy tiêu chí công nghệ, môi trường để làm định hướng hợp tác đầu tư FDI. Mặt khác, việc Quốc hội vừa thông qua các luật Đầu tư, Doanh nghiệp (DN), Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được kỳ vọng sẽ đóng góp cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay tại Việt Nam, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, minh bạch từ quy trình chuẩn bị đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến tiếp cận thị trường.

Theo ông Hoàng, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, nhân lực, điện, ưu đãi đầu tư, thủ tục nhanh chóng, công nghiệp hỗ trợ... Về mặt bằng, Bộ KH&ĐT đang cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất ở các địa phương để mở rộng quỹ đất sạch. Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, tiết giảm thủ tục không cần thiết...

Doanh nghiệp cần chuẩn bị điều kiện gì?

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), hiện nay đa phần DN Việt Nam chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, chưa có kế hoạch liên kết với nhau để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên vật liệu vẫn chủ yếu lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc...

Do đó, theo ông Toàn, muốn bắt tay được với DN FDI thì DN Việt Nam phải chủ động tìm cách nâng cao năng lực, trình độ. Trước tiên, lãnh đạo DN phải nâng cao tư thế, tầm nhìn, có quyết tâm tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI và xây dựng nguồn nhân lực cốt lõi. Các tập đoàn lớn cũng nên phát huy vai trò dẫn dắt DN nhỏ và vừa trong nước tham gia vào chuỗi liên kết thì họ mới dần lớn mạnh lên được.

Về hoạt động của DN trong nước, ông Hoàng gợi ý, trước tiên DN phải tự nâng cấp, bên cạnh đó cần tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Thứ hai là DN trong nước có thể tính đến việc mua lại DN nước ngoài tại Việt Nam, dần dần tự nâng cấp lên mức cao hơn. Thứ ba là đầu tư ra nước ngoài, mua lại các công ty có sẵn chuỗi giá trị rồi nâng cấp lên và đưa về Việt Nam...

Chuyên đề