Mặc dù chỉ chiếm 3,6% GDP nhưng bất động sản là một ngành có sự liên thông chặt chẽ với thị trường tài chính và nhiều ngành nghề khác. Ảnh: Bảo Tín |
Nhen nhóm nhiều niềm hy vọng
Không phải ngẫu nhiên khi tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 5/8, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5%, tức những tháng cuối năm bằng mọi giá phải đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 9%, điều này đã nhen nhóm lên nhiều hy vọng cho các ngành nghề, lĩnh vực nói chung và bất động sản nói riêng.
Mặc dù chỉ chiếm 3,6% GDP nhưng bất động sản là một ngành có sự liên thông chặt chẽ với thị trường tài chính và nhiều ngành nghề khác. Nếu tính cả xây dựng (chiếm 10,6% GDP) và tài chính - ngân hàng (8,2% GDP), tức hai ngành liên quan trực tiếp nhiều nhất với bất động sản, thì hoạt động của 3 ngành này chiếm 22,4% GDP (theo số liệu thống kê năm 2022).
Đặc biệt gần đây, nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc quyết liệt. Các "nút thắt" bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang được quan tâm và cởi trói. Nghĩa là, tới đây sẽ có thêm những chính sách được ban hành và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang hy vọng tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực mới.
Một chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán SSI đặt vấn đề: "Khi Chính phủ quyết tâm như vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy gì từ hai công cụ điều hành vĩ mô là tiền tệ và tài khóa?".
Theo vị này, với công cụ tiền tệ (giảm lãi suất), dường như đã gần đạt đến điểm giới hạn và yếu tố quan trọng vẫn là lãi suất tại thị trường 1 (lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế), và điều này đang diễn ra khi các ngân hàng lần lượt công bố giảm lãi suất.
Công cụ tài khóa được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn nêu trên của doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Với những diễn biến từng xảy ra trong lịch sử thì đầu tư công sẽ là chìa khóa để giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.
Mới đây, Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản lạm phát cho năm nay, trong đó khả quan nhất là CPI tăng 3,2%, trường hợp xấu hơn là tăng tối đa 3,7%. Điều này cũng đồng nghĩa, biến số lạm phát tại Việt Nam đã rõ, cho thấy không có gì đáng lo ngại. Vấn đề trọng tâm bây giờ là làm sao để giúp kinh tế phục hồi và đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.
Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các khó khăn doanh nghiệp đang gặp bây giờ không phải là khó tiếp cận tín dụng hay lãi suất quá cao mà là câu chuyện liên quan đến sức “cầu” yếu. Điều này hàm ý rằng, tất cả giải pháp nếu chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ thôi thì gần như sẽ không giải quyết được vấn đề trong nửa cuối năm.
Đang bị kìm hãm giữa hai gọng kìm
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia bất động sản, Phó Chủ tịch Hanita Master Group, tỷ lệ tăng trưởng GDP Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, tức là cao hơn tốc độ của 6 tháng đầu năm 2020 (1,81%) trong giai đoạn 2011 - 2023. Điều này cho thấy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2023 đạt 6,5% là không khả thi và gần như không có “phép màu” kỳ diệu nào thay đổi cục diện.
Riêng đối với ngành kinh doanh bất động sản, các phân khúc thị trường 6 tháng đầu năm nay tiếp tục hạn chế nguồn cung lẫn tính thanh khoản. Trong đó, nguồn cung nhà ở tiếp tục hạn chế, nhu cầu bất động sản du lịch chưa cải thiện, bất động sản thương mại có nguy cơ dư cung tạm thời.
Duy chỉ có bất động sản công nghiệp là “cửa sáng” hiếm hoi nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào tiến độ giải ngân đầu tư công của Chính phủ nhằm giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện kích thích doanh nghiệp FDI đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Bức tranh thị trường bất động sản từ năm 2018 đến nay vốn dĩ đã không còn màu sắc đa dạng như những năm trước đó. Ảnh: Bảo Tín |
“Bức tranh thị trường bất động sản từ năm 2018 đến nay vốn dĩ đã không còn màu sắc đa dạng như những năm trước đó. Thị trường đang dần mất tính thanh khoản, sức mua yếu dần trong khi lãi suất cho vay mua bất động sản vẫn chưa giảm bao nhiêu, mặc dù lãi suất tiết kiệm đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong suốt 6 tháng đầu năm 2023”, ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu bình luận.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư cho hay, thị trường kinh doanh bất động sản đang bị kìm hãm giữa hai gọng kìm: “tài chính” và “pháp lý”. Trong khi các doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường vốn, “sức khỏe” dần cạn kiệt thì pháp lý bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ sốt sắng, mặc dù Chính phủ rất quan tâm tháo gỡ.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mong mỏi lớn nhất và trông chờ nhiều nhất là từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiện toàn được hệ thống pháp lý đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng luật chồng chéo, gây vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm qua. Mục tiêu hàng đầu là phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, nhằm giúp khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp (M&A), nhất là để xử lý các dự án bị đắp chiếu do chủ đầu tư yếu kém về năng lực.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị, cần sớm xem xét sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc hạn chế đối tượng cho vay bất động sản. Đặc biệt, hạ lãi suất cho vay mua bất động sản từ nay đến cuối năm 2023 vì đây là “tín hiệu” tích cực dành cho toàn thị trường bất động sản. Bởi, điều này mang lợi ích to lớn cho việc thúc đẩy GDP cả nước “tiệm cận” với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023. Khi thị trường bất động sản được khơi thông sẽ kéo theo hơn 40 ngành nghề khác phát triển. Đây cũng là giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết cho bài toán lao động thất nghiệp hiện nay.