Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025: Mấu chốt là thực thi chính sách

(BĐT) - Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thời kỳ 2021 - 2030. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là thời điểm Việt Nam có thể tự quyết định tương lai, tầm vóc, vị thế của mình một cách chủ động mà không cần phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài nào.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 2 vấn đề then chốt tạo lực đẩy cho Việt Nam phát triển trong 10 năm tới là khoa học công nghệ và con người. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 2 vấn đề then chốt tạo lực đẩy cho Việt Nam phát triển trong 10 năm tới là khoa học công nghệ và con người. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 14/11, Hội thảo Các quan điểm và mục tiêu phát triển trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Hội thảo trao đổi, thảo luận về 2 nhóm chuyên đề quan trọng của Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Theo đại diện Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quan điểm phát triển của thời kỳ 2021 - 2030 có thể kế thừa của thời kỳ trước, song cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn mới. Viện Chiến lược phát triển đề xuất 6 quan điểm phát triển của Chiến lược thời kỳ 2021 - 2030, gồm: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển lấy con người làm trung tâm và xác định con người là nguồn lực quan trọng nhất; phát triển lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực quan trọng nhất; gắn kết chặt chẽ giữa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm độc lập, tự chủ; xây dựng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển ngắn hạn đi đôi với đột phá tư duy, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn.

Theo bà Đinh Thị Nga, Viện Kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vẫn là mục tiêu đúng đắn và phải nỗ lực để đạt được. Bà Nga cho biết, kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á cho thấy, các quốc gia phát triển đạt đến sự thịnh vượng là nhờ những chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn, nhờ có công nghiệp hóa mà các quốc gia này có thể tăng trưởng cao 10% trong nhiều năm liên tiếp (Nhật Bản tăng trưởng 10% trong 20 năm liên tiếp; Hàn Quốc trong 22 năm; Trung Quốc trong 30 năm)…

Với bối cảnh của Việt Nam, mục tiêu trở thành nước công nghiệp là đúng đắn, nhưng cần có cách tiếp cận và lựa chọn con đường cho phù hợp; có thể vừa phát triển khoa học kỹ thuật vừa tận dụng tri thức của nhân loại để ứng dụng khoa học công nghệ cho các ngành (trong đó có công nghiệp); đồng thời nâng cấp chuỗi giá trị. Bà Nga nhấn mạnh, sau khi xác định được chiến lược tổng thể thì cần có lộ trình, bám theo các lộ trình này là chính sách (vốn, tài chính…) cụ thể, phù hợp và đặc biệt là quyết tâm để thực thi. “Ở Việt Nam, lộ trình thực thi và chính sách cụ thể còn thiếu và yếu”, bà Nga khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, chúng ta có rất nhiều nghị quyết, chiến lược, nhưng việc triển khai còn chậm hoặc đạt kết quả không tương xứng với chiến lược đã vạch ra. Trong 10 năm tới, 2 vấn đề then chốt, là chìa khóa để tạo lực đẩy cho Việt Nam phát triển là khoa học công nghệ và con người.

Về con người, trước những cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế về việc Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn già hóa dân số khoảng từ năm 2030 - 2035, nếu không tận dụng nhanh những lợi thế từ con người ở thời kỳ dân số vàng thì khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo sẽ là thách thức và khó khăn mới cho Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải thay đổi cách thức đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp tất cả các hệ thống, cấp học, bậc học để phát huy tốt nhất lợi thế từ con người, nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khẳng định là một trong những định hướng căn cơ, cốt lõi, xu thế tất yếu; đồng thời là cơ hội để Việt Nam dựa vào để có những bứt phá, phát triển.

Được biết, thời gian tới, Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhằm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.

Chuyên đề