Cập nhật 03 kịch bản xuất khẩu dệt may năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong báo cáo gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra ngày 23/4, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành Dệt may cập nhật 3 kịch bản đối với xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2022, trong đó, ở kịch bản tốt, kim ngạch xuất khẩu đạt 42 tỷ USD.
Theo kịch bản tốt, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 có thể đạt 42 tỷ USD Ảnh: internet
Theo kịch bản tốt, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 có thể đạt 42 tỷ USD Ảnh: internet

Tập đoàn cho biết, đến thời điểm này, hiện đơn ngành của ngành may đã đủ đến tháng 6/2022 nhưng tiềm ẩn rủi ro khi diễn biến kinh tế thế giới không thuận lợi, nguyên liệu tiếp tục về chậm và giá mặt bằng chi phí tiếp tục tăng lên.

“Nếu như tháng 1/2022, thị trường dệt may toàn cầu được dự báo tăng 3% so với năm 2021 (tăng thêm 20 tỷ USD nhu cầu nhập khẩu) thì dự báo trong tháng tháng 3 đã hoàn toàn thay đổi, ước tính chỉ tăng 1,5-2%”, Vinatex cho biết. Lý do là khi cuộc xung đột Nga - Ucraina xảy ra khiến giá dầu tăng phi mã đã gây áp lực tăng chi phí cũng như rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng… khiến nhu cầu nhập khẩu dệt may thế giới được dự báo giảm bớt. Trên cơ sở đó, ngành dệt may đưa ra 03 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu.

Theo kịch bản tốt, xung đột Nga –Ucraina kết thúc sớm ngay trong tháng 3, các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ, giá dầu về ngưỡng 90USD/thùng, tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,8-4%, lạm phát toàn cầu ở mức 3,6%, nhu cầu nhập khẩu dệt may thế giới có thể tăng nhẹ 1-2%. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt khoảng 41-42 tỷ USD.

Tại kịch bản trung bình, xung đột Nga –Ucraina hạ nhiệt, các biện pháp trừng phạt vẫn duy trì, giá dầu ở mức khoảng 100 USD/thùng, tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,5%, lạm phát toàn cầu 4%, nhu cầu nhập khẩu dệt may thế giới giảm từ 0-2%. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam khoảng 39,5-40,5 tỷ USD, tương đương năm 2021.

Còn ở kịch bản xấu, xung đột Nga –Ucraina kéo dài, căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, mở rộng phạm vi các chính sách trừng phạt. Kinh tế thế giới suy giảm ở các nước phát triển, cầu dệt may thế giới giảm 2-4%. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 38-40 tỷ USD.

Cùng với diễn biến tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, ở trong nước, doanh nghiệp ngành dệt may vẫn phải đối mặt với một số khó khăn khác. Điển hình là về chính sách thuế vẫn chưa khuyến khích doanh nghiệp. “Chính sách thuế tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP tạo sự bất bình đẳng giữa hình thức gia công và hình thức xuất khẩu FOB ở chỗ nếu nhập khẩu tại chỗ để gia công thì được miễn thuế nhập khẩu còn nếu nhập khẩu tại chỗ khai theo hình thức sản xuất xuất khẩu thì vẫn phải nộp thuế nhập khẩu sau khi thực hiện xuất mới được hoàn dẫn đến khuyến khích DN gia công tốt hơn là làm FOB”, Vinatex phản ánh.

Về chi phí logistics, hiện chiếm 9,3% giá thành của sản phẩm, trong đó chi phí vận chuyển trong nước chiếm tới gần 50% tổng chi phí logistics….

Trước đó, cuối năm 2021, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2022, ngành dệt may xây dựng mục tiêu theo ba kịch bản. Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5– 43,5 tỷ USD.

Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.

Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỷ USD.

Chuyên đề