Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khởi công trong tháng 12/2022. Ảnh: Lê Tiên |
Đồng tâm đồng lòng, dồn lực cho “trục xương sống”
Ngày 4/2/2022, phát biểu tại lễ thông xe tuyến cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn – dự án thành phần đầu tiên hoàn thành trong 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được nhắc đến trong văn kiện của 3 Đại hội Đảng, từ 2011 đến nay. Quan điểm là nguồn lực nhà nước phải được sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, phát huy mọi nguồn lực đầu tư vào hạ tầng. Và trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chọn là một trong những đột phá của hạ tầng để tập trung đầu tư.
Vai trò của tuyến hành lang vận tải Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau rất quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tuyến giao thông hiện hữu đang bị quá tải, tạo thành điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, cao tốc Bắc - Nam chưa xong thì chưa thể nói đến chuyện bứt phá kinh tế.
“45 năm sau giải phóng, đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có được tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nối hết chiều dài đất nước, trong khi đây là tuyến đường huyết mạch, là trục xương sống kết nối 30 tỉnh, thành của đất nước. Đó là điều phải suy nghĩ, phải thấy xấu hổ, để quyết tâm cao hơn trong giai đoạn tới” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ khi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cách đây 2 năm, chuẩn bị cho kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT.
Ở kỳ trung hạn này, với quyết tâm cao, thống nhất cao, cả Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và Bộ trưởng Bộ GTVT đều chung quan điểm dồn vốn cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cho công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với nguồn vốn rất lớn cho ngành giao thông. Đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có tổng chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần đầu tư hoàn toàn từ vốn đầu tư công. Tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT đề xuất bố trí thêm nguồn vốn lớn cho Dự án giai đoạn 2021 - 2025, để có thêm nguồn lực triển khai nhanh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, sự vào cuộc của địa phương, chưa bao giờ công tác triển khai “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam lại khẩn trương, thần tốc đến thế. Hình dáng tuyến cao tốc là trục xương sống của dải đất hình chữ S đang dần được định hình và sẽ sớm nối liền.
Trục huyết mạch đang dần định hình
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, sự vào cuộc của địa phương, chưa bao giờ công tác triển khai “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam lại khẩn trương, thần tốc đến thế. Hình dáng tuyến cao tốc là trục xương sống của dải đất hình chữ S đang dần được định hình và sẽ sớm nối liền.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày tháng 4 này, trên khắp công trường các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang sôi nổi thi công, đẩy nhanh tiến độ. Ở Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, theo ông Ngô Sỹ Huấn, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đường Hồ Chí Minh, ngay khi mùa mưa lũ kết thúc, các nhà thầu tập trung thi công, tăng cường trang thiết bị, nhân lực, tăng ca. Dự kiến đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều nhà thầu vẫn bố trí thi công, chạy đua thời gian để kịp hoàn thành Dự án theo kế hoạch vào ngày 30/9/2022.
Theo Bộ GTVT, trên công trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, tinh thần, khí thế lao động cũng đang được tập trung cao, các hạng mục công trình lớn như hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi, cầu Núi Đọi và toàn bộ nền đường đã dần được hình thành.
Trong chỉ đạo giữa tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành, đưa vào khai thác 4 đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km. Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149 km trong năm 2023, gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km); Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km); Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km và cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6 km. Đây là tiền đề rất quan trọng để bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành 2.500 km đường bộ cao tốc.
Trong khi các dự án giai đoạn 2017 - 2020 đang trên đường về đích, chuyển động của Dự án Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông 2021 - 2025 cũng đang rất thần tốc, chuẩn bị để khởi công sớm nhất. Từ khi Quốc hội thông qua đến nay, chỉ sau hơn 3 tháng, Bộ GTVT cho biết đã hoàn thành rất nhiều công việc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp được hoàn thành trước ngày 20/11, khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Đại lộ sinh đại phú
Nói về tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông có ý nghĩa quan trọng, giảm phần lớn lưu lượng phương tiện đi vào nội đô của Tỉnh, tạo trục kết nối gần nhất các tỉnh trung tâm với Ninh Bình, tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng thế mạnh của các vùng trũng vì hạn chế giao thông.
Còn Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận kỳ vọng, khi đưa tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầy Giây vào khai thác sẽ thu hẹp cả “thời gian và không gian” giữa Bình Thuận với cả nước. Theo Sở GTVT Bình Thuận, khi chưa có cao tốc Long Thành - Dầu Giây, di chuyển từ TP.HCM đến TP. Phan Thiết phải mất 7 tiếng đồng hồ, dù quãng đường chỉ dài 185 km, sau khi có cao tốc Long Thành - Dầu Giây chỉ còn 4 tiếng. Nếu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác, thời gian cho quãng đường này chỉ còn 2 giờ 30 phút. Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là ước mơ bao đời nay của người dân Bình Thuận, là công trình quan trọng, tạo động lực giúp Tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Không chỉ riêng Ninh Bình, Bình Thuận, tuyến cao tốc nối liền mạch từ Lạng Sơn đến Cà Mau là ước mơ, là khát vọng của bao người dân Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuyến đường cao tốc khi hoàn thành đi qua 30 tỉnh, thành phố, nhiều khu dân cư, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trung tâm văn hóa, du lịch, sẽ tạo tiềm năng, cơ hội lớn để kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước. Tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc.
Thực tiễn phát triển đã minh chứng “đại lộ sinh đại phú”, đường mở đến đâu, dân giàu đến đó. Hạ tầng giao thông đang được tập trung cải thiện, trong đó việc hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông và mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030 sẽ là tiền đề, là bệ phóng đưa đất nước tiến đến hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Và kết quả của thịnh vượng, hùng cường, chính là người dân được no ấm, được hạnh phúc, sung túc hơn.