Cách nào thúc đẩy phát triển ngân hàng số?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng số hóa nhanh. Tuy nhiên, trước yêu cầu mở rộng dịch vụ, ngăn chặn tội phạm mạng, nhiều ý kiến cho rằng, cần giải quyết những hạn chế từ cơ chế pháp lý và đảm bảo an toàn thông tin để đẩy mạnh quá trình này.
Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Ảnh: Tường Lâm

Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và Internet banking ở thời điểm năm 2018 lần lượt là 22% và 28%. Con số này tăng lên mức 68% và 75% vào quý III năm nay.

Một khảo sát được McKinsey & Company thực hiện gần đây tại Việt Nam cho thấy, 80% khách hàng Việt Nam sử dụng ngân hàng số ít nhất 1 lần/tháng (con số này trong năm 2017 chỉ là 41%); 56% khách hàng sẵn sàng sử dụng các giải pháp tài chính khác từ các công ty công nghệ tài chính (Fintech). McKinsey & Company cũng cho biết, khách hàng Việt Nam hiện nay rất ưa chuộng sử dụng dịch vụ ngân hàng đa kênh. 70% người Việt được khảo sát nói rằng sẵn sàng mua sản phẩm trực tuyến, có 30% đã mua các sản phẩm dịch vụ trực tuyến.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng số hóa nhanh trong khu vực. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

Cùng với việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, NHNN đã và đang rà soát, ban hành quy định pháp lý đáp ứng mô hình ngân hàng số, các dịch vụ ngân hàng số, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, bảo vệ dữ liệu, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, an ninh, an toàn. Thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, tiết kiệm. Thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị). Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số.

Theo ông Lê Quang Hà, Giám đốc sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel, ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, nhưng cũng là mục tiêu của tội phạm mạng. Thống kê của Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ của Viettel cho thấy, trong dịch Covid-19, lượng tấn công lừa đảo khách hàng tăng gấp ba lần so với trước dịch. Vì vậy, khi chuyển đổi số cho ngân hàng thì an toàn thông tin cũng phải được chuyển đổi.

Từ góc độ ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, thành viên HĐQT, Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ Vietcombank cho rằng, hiện phần lớn sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở từng dịch vụ cụ thể, mang tính chất manh mún. Do vậy, các ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái số có thể cung cấp cho người dùng tất cả nội dung mà khách hàng quan tâm, không chỉ liên quan đến tài chính mà còn nhiều dịch vụ khác như: giao thông, bảo hiểm, giáo dục… trên một nền.

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank, hiện cơ chế pháp lý hỗ trợ quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn còn một số điểm chưa đồng bộ. Chẳng hạn, dùng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) để mở tài khoản, nhưng để cấp chữ ký số, ngân hàng vẫn yêu cầu phải gặp mặt trực tiếp, nghĩa là quy trình chuyển đổi số chưa được thực hiện 100%. Do đó, cần sớm có cơ chế cho phép cấp chữ ký số trực tuyến. Nền tảng công nghệ tại Việt Nam hiện nay có thể làm được việc này từ công nghệ sinh trắc học đến dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên thẻ căn cước công dân.

Từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, NHNN sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác.

Chuyên đề