Các ngân hàng Trung Quốc nguy cơ lỗ 350 tỷ USD vì bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản lỗ thế chấp trị giá 350 tỷ USD do cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này ngày càng trầm trọng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang ngày càng tồi tệ hơn khi các dự án bị đình trệ làm sụt giảm niềm tin của hàng trăm nghìn người mua nhà, gây ra "làn sóng" tẩy chay thế chấp tại hơn 90 thành phố. Điều này được cảnh báo có thể gây rủi ro cho hệ thống rộng lớn hơn. Câu hỏi đặt ra là vấn đề này sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng quy mô 56.000 tỷ USD của Trung Quốc ra sao.

Trong một kịch bản tồi tệ nhất, S&P Global Ratings ước tính rằng có 2.400 tỷ Nhân dân tệ (356 tỷ USD), tương đương 6,4% các khoản vay thế chấp, đang gặp rủi ro. Trong khi đó, Deutsche Bank AG đưa ra cảnh báo tỷ lệ này ít nhất là 7%.

Cho đến nay, các ngân hàng niêm yết tại Trung Quốc báo cáo khoảng 2.100 tỷ Nhân dân tệ các khoản vay thế chấp quá hạn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc tẩy chay của người mua nhà.

"Các nhà băng đang mắc kẹt ở giữa. Nếu không giúp các hãng bất động sản hoàn thành dự án, họ sẽ còn lỗ nhiều hơn nữa. Nhưng nếu giúp, chính phủ lại không vui, mà chính họ cũng càng lún sâu vào các dự án chậm tiến độ", Zhiwu Chen - Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hong Kong cho biết.

Trong bối cảnh đất nước đối mặt với những trở ngại như tăng trưởng kinh tế chững lại, gián đoạn hoạt động kinh doanh do Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục, Bắc Kinh đang đặt ổn định tài chính và xã hội lên hàng đầu. Những nỗ lực đang được xem xét bao gồm ân hạn các khoản vay thế chấp, cấp vốn cho các nhà phát triển. Nhưng dù bằng cách nào, ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong các gói cứu trợ bất động sản của nhà nước.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Mức độ tiếp xúc của các ngân hàng Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản đang cao nhất so với bất kỳ ngành nào khác. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tính đến cuối tháng 3, có 39.000 tỷ Nhân dân tệ dư nợ cho vay thế chấp và 13.000 tỷ Nhân dân tệ dư nợ cho vay khác cho các nhà phát triển.

Theo nhà phân tích Lucia Kwong của Deutsche Bank, khoảng 7% dư nợ cho vay cầm cố có thể bị tác động nếu các vụ vỡ nợ lan rộng. Ước tính này vẫn còn thận trọng do khả năng tiếp cận thông tin của Deutsche Bank với các dự án chưa hoàn thành là khá hạn chế.

Hai nhà phân tích Francis Chan và Kristy Hung tại Bloomberg Intelligence cho biết, để hạn chế nguy cơ trên, Trung Quốc có thể tận dụng nguồn vốn dư thừa tại 10 tổ chức tín dụng lớn nhất đất nước, tổng số tiền huy động được có thể lên tới 4.800 tỷ Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các khoản nợ xấu, lên đến 2.900 tỷ Nhân dân tệ tính đến cuối tháng 3, đang ngấp nghé mức kỷ lục mới và gây căng thẳng hơn cho nền kinh tế vốn đang phục hồi ở mức chậm nhất kể từ khi đại dịch hoành hành.

Trong khi tổng nợ trên GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay, người tiêu dùng lại không muốn sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính hơn. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào “suy thoái bảng cân đối kế toán”, khi người dân và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và đầu tư.

Mặt khác, tăng trưởng thu nhập khả dụng cũng đang chậm lại, làm ảnh hưởng hơn đến khả năng trả nợ của người mua nhà. Trong khi đó, sự sụt giảm về giá nhà ở tại Trung Quốc đã lan rộng đến 48 trong tổng số 70 thành phố ở nước này, so với mức 20 thành phố hồi tháng 1.

S&P Global Ratings dự báo, doanh số bán nhà có thể giảm 30% trong năm nay trong bối cảnh phong trào tẩy chay thế chấp và thanh khoản tiếp tục căng thẳng dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn. Khoảng 28 trong 100 hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số đã vỡ nợ trái phiếu hoặc đang đàm phán gia hạn nợ trong một năm qua, theo Teneo.

Chuyên đề