Bước chuyển chiến lược tại Đồng bằng sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng là khu vực phát triển công nghiệp sôi động nhất cả nước. Để đón “đại bàng”, các địa phương đang tích cực chuẩn bị mặt bằng sạch, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp (KCN). Một số địa phương đã có bước chuyển sang mô hình KCN dịch vụ, sinh thái; đồng thời tận dụng lợi thế hạ tầng (cao tốc, cảng biển, kho vận…) liên kết với nhau tạo thành thế mạnh cấp vùng vượt trội nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn.
Một số địa phương khu vực phía Bắc Đồng bằng sông Hồng nắm bắt lợi thế hạ tầng giao thông để liên kết phát triển khu công nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Một số địa phương khu vực phía Bắc Đồng bằng sông Hồng nắm bắt lợi thế hạ tầng giao thông để liên kết phát triển khu công nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Nhân đôi số lượng khu công nghiệp đến năm 2030

Vào giữa tháng 4/2024, UBND tỉnh Nam Định lên kế hoạch triển khai lập quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và xin chấp thuận chủ trương đầu tư… 3 KCN, gồm: KCN Hải Long (1.100 ha tại huyện Giao Thủy, do Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore - VSIP JSC làm Chủ đầu tư), KCN Nam Hồng (200 ha tại huyện Nam Trực, do Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong đề xuất) và KCN Minh Châu (300 ha tại huyện Nghĩa Hưng, do Công ty CP Thịnh Vượng TVT đề xuất).

Đây là 3 trong 6 KCN đã được UBND Tỉnh đồng ý chủ trương giao cho Ban Quản lý các KCN Tỉnh tổ chức lập quy hoạch. Hiện tại, Nam Định đang khai thác 6 KCN đã được thành lập, gồm các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Bảo Minh mở rộng, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận. Dự kiến đến năm 2030 (theo Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), Nam Định sẽ có thêm 10 KCN, gồm: Hồng Tiến, Trung Thành, Xuân Kiên, Hải Long, Nam Hồng, Thịnh Tân, Thắng Lợi, Minh Châu, Lạc Xuân, Thượng Thành, nâng tổng diện tích quy hoạch các KCN trên địa bàn lên 2.546 ha.

Cùng với Nam Định, Thái Bình đang đẩy mạnh triển khai các dự án KCN nằm trong Khu kinh tế (KKT) Thái Bình nhằm tăng cường tính liên kết, giúp các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương. Trong đó, Tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng để sớm giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai Dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hải Long (gần 300 ha tại huyện Tiền Hải, do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng KCN Bảo Minh làm Chủ đầu tư với vốn 2.200 tỷ đồng). Dự án khởi công đầu năm 2023, giai đoạn 1 có diện tích 30,6 ha, đến nay đã giải phóng được 30 ha.

Vượt ra khỏi giới hạn một tỉnh, một số địa phương khu vực phía Bắc còn nắm bắt lợi thế hạ tầng giao thông để liên kết phát triển KCN như 4 tỉnh, thành phố nằm dọc trục cao tốc phía Đông từ Hà Nội đến Móng Cái (Quảng Ninh), gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh. Cả khu vực có 87 KKT và KCN. Trong đó, Hải Phòng có KKT Đình Vũ Cát Hải, 25 KCN, với tổng diện tích gần 13.000 ha; Hải Dương có 24 KCN với tổng diện tích gần 4.500 ha; Hưng Yên có 17 KCN với tổng diện tích 4.300 ha; Quảng Ninh có 5 KKT, 16 KCN với diện tích hơn 388.671 ha.

Tại Hưng Yên, trong 17 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, có 11 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (10 khu đã đi vào hoạt động với 550 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 84%), 6 KCN đang quy hoạch.

Tại Quảng Ninh, theo ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, năm 2023, địa phương đã thu hút được tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, trong đó, vốn FDI lên tới 3,1 tỷ USD, thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc. “Nhà đầu tư đã tin cậy, tìm đến Quảng Ninh, chúng tôi có trách nhiệm làm cho môi trường đầu tư thuận lợi hơn, quan tâm chăm sóc nhà đầu tư một cách thực chất, giải quyết cho được các yêu cầu của nhà đầu tư, sao cho mục tiêu của hai bên gặp nhau và dẫn tới kết quả về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi đã có những kỷ lục về tiếp nhận và giải quyết những hồ sơ đầu tư rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài trong vài tiếng đồng hồ để có thể trao được giấy chứng nhận đầu tư”, ông Cường chia sẻ.

Nhấn mạnh việc các địa phương muốn phát triển thì phải đi cùng nhau, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc kết nối liên thông hạ tầng giao thông, KCN, logistics. Sáng kiến phát triển KCN theo trục cao tốc phía Đông là phù hợp với xu thế, nhằm nâng cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến các nhà đầu tư trọng điểm phát triển KCN tầm cỡ quốc tế. Thực tế hiện nay, lợi thế trục đường cao tốc này vẫn chưa được phát huy triệt để, trong khi hệ thống đường Quốc lộ 5 đã xuống cấp, liên kết chuỗi giá trị chưa rõ... Bài toán lao động cũng cần được tính đến khi nhu cầu phát triển KCN tăng gấp đôi vào năm 2030.

Bước chuyển về chất

Theo ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát triển KCN được chia thành 4 cấp độ. Những KCN thành lập thời kỳ đầu thường ở cấp độ sơ khai, thuần túy tập trung vào sản xuất công nghiệp. Đến nay, nhiều KCN đã chuyển đổi hoặc thành lập mới theo cấp độ cao hơn với mô hình hiện đại, phù hợp với xu thế quốc tế như: KCN chuyên sâu, KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ.

Tại khu vực phía Bắc đã xuất hiện mô hình KCN - đô thị - dịch vụ như KCN VSIP tại Bắc Ninh, Viglacera (KCN Đồng Văn IV 600 ha tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)… Trong đó, các khu đô thị với đầy đủ tiện ích được hình thành như dự án thành phần của KCN, tạo hệ sinh thái khép kín trong KCN.

Đối với mô hình KCN chuyên sâu, Quảng Ninh đã hình thành Tổ hợp KCN y dược công nghệ cao 1.000 ha; Liên danh các nhà đầu tư Singapore (Quỹ Makara Capital Partners Pte., Ltd, Sake Corporate Advisory Pte., Ltd và Công ty CP Newtechco Group) đang nghiên cứu đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN dược - sinh học 300 ha tại Thái Bình với vốn đầu tư 150 - 200 triệu USD…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, để thu hút nhà đầu tư vào các KCN, chính quyền Tỉnh đang tiếp tục nỗ lực cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sau 2 năm liên tiếp tăng điểm, Chỉ số xanh cấp tỉnh - PGI (hiện đứng thứ 4 toàn quốc). Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, Hưng Yên đang tập trung triển khai các dự án xử lý chất thải, rác thải tập trung trong và ngoài KCN. Chủ trương của Tỉnh là ưu tiên phát triển các KCN chuyên sâu với hệ thống xử lý nước thải đồng bộ để doanh nghiệp đến Hưng Yên là có ngay mặt bằng sạch, không phải lo khâu xử lý môi trường…

Nắm bắt xu thế xanh hóa sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo để đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, KCN DEEP C (Hải Phòng) đã liên doanh với TEPCO (Nhật Bản) triển khai 3 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 3 MW, đa dạng hóa nguồn cấp điện, phục vụ cho nhà đầu tư thứ cấp, thay vì phụ thuộc vào điện lưới quốc gia. Năm 2023, Liên doanh đã tạo ra được 5.800 MWh điện tái tạo, tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng (tương ứng 1% tổng nhu cầu điện).

Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình các KCN theo hướng xanh - sạch hơn, theo TS. Đặng Việt Dũng, trước tiên cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo đồng bộ; có lộ trình chuyển đổi phù hợp; thống nhất trách nhiệm quản lý đầu tư giữa các bộ, ngành và địa phương; đổi mới trong tư duy quy hoạch phát triển KCN.

Bà Nguyễn Như Thanh Thư - Trưởng bộ phận Năng lượng tái tạo của KCN DEEP C cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế cho phép các chủ đầu tư KCN đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái nhà công trình xây dựng, giá mua bán cũng như hợp đồng mua bán điện do bên mua và bên bán tự thỏa thuận. Đồng thời, cần có quy định cho trường hợp liên kết hoặc không phát điện lên lưới điện quốc gia…

Chuyên đề