Bối rối mùa họp đại hội đồng cổ đông vì Covid-19

(BĐT) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phải xin hoãn thời hạn họp đại hội đồng cổ đông (ÐHĐCÐ) thường niên. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Làm thế nào để DN không “lỡ hẹn” ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 là vấn đề rất đáng quan tâm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vinaconex và nhiều doanh nghiệp đã thông báo gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Ảnh: Nhã Chi
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vinaconex và nhiều doanh nghiệp đã thông báo gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Ảnh: Nhã Chi

Hàng loạt doanh nghiệp hoãn ĐHĐCĐ

Ngày 8/4/2020, Tổng công ty CP Vinaconex có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan về việc hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 cho đến khi có chỉ đạo mới của Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, Vinaconex thông báo thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/4/2020.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như: Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Hàng không Vietjet, Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO),… cũng có thông báo hoãn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm nay.

Đến nay, nhiều sở kế hoạch và đầu tư có công văn chấp thuận đề xuất của DN, nhưng yêu cầu thời hạn hoãn không quá ngày 30/6/2020. Tuy nhiên, làm cách nào để DN thực thi được thời hạn này lại là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh khó xác định thời điểm kết thúc dịch.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nếu cuộc họp ĐHĐCĐ không được tổ chức kịp thời sẽ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến cả lợi ích của các cổ đông và các bên có liên quan. Bởi, nhiều vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận và thông qua tại cuộc họp như: kế hoạch kinh doanh hằng năm, báo cáo tài chính,; phân chia lợi nhuận… Theo quy định tại Luật DN, cuộc họp ĐHĐCĐ không thể tổ chức theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản như các cuộc họp cổ đông thông thường. 

Bị động vì Covid

Để giải quyết vấn đề này, ông Hiếu cho rằng, DN có thể ứng dụng công nghệ thông tin để họp ĐHĐCĐ trực tuyến. “Cách thức này giúp DN vừa phòng, chống dịch bệnh lại vừa tổ chức được cuộc họp có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo CIEM nhận xét.

Theo ông Hiếu, hiện nay trên thị trường có rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp DN tổ chức các cuộc họp trực tuyến một cách hiệu quả. Các ứng dụng này không phải bây giờ mới xuất hiện như dịch vụ bỏ phiếu điện tử (E-Voting) phục vụ đại hội cổ đông các công ty đại chúng/quỹ đầu tư chứng khoán thay thế cho biểu biểu quyết trực tiếp tại ĐHĐCĐ truyền thống. Theo Điều 140 Luật DN, có 4 phương thức để được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ là: tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp; ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp; tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác; gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, có một số vướng mắc khi DN sử dụng dịch vụ này. Trong đó, theo Điều 142 của Luật DN, để sử dụng các hình thức bỏ phiếu điện tử, điều lệ công ty phải có quy định cụ thể về hình thức này. Do chưa có kế hoạch áp dụng hình thức bỏ phiếu điện tử nên điều lệ của nhiều DN chưa được sửa đổi bổ sung nội dung này và việc triệu tập ĐHĐCĐ để sửa đổi tại thời điểm này không dễ dàng. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Nghị định 71/2017/NĐ-CP, công ty đại chúng có trách nhiệm quy định tại quy chế nội bộ về quản trị công ty trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu tại cuộc họp. “Phần lớn các công ty đại chúng hiện nay chưa có sẵn nội dung về bỏ phiếu điện tử trong quy chế nội bộ về quản trị công ty, do vậy, DN chưa thể triển khai ngay dịch vụ này ở thời điểm hiện tại”, Bộ Tài chính cho biết.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hiếu nhấn mạnh, theo quy định của Luật DN, công ty không nhất thiết phải sửa đổi điều lệ mới có thể áp dụng Điều 140 Luật DN. Theo ông Hiếu, đây là quyền lợi đương nhiên của các cổ đông, cổ đông có thể chọn 1 trong các phương thức được quy định để họp ĐHĐCĐ. “Trong bối cảnh hiện nay, DN không nên lo lắng là có phải sửa đổi điều lệ hay không, mà có thể áp dụng ngay Điều 140 để thực hiện”, ông Hiếu khẳng định.

Chuyên đề