Bất chấp Covid-19, ngân hàng chạy đua niêm yết dưới áp lực tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và cả hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn buộc phải chạy đua để tăng vốn, và niêm yết trên sàn HOSE được xem là một phương án giúp tiếp cận vốn tốt hơn.

Ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE của cổ phiếu VIB. Ảnh: V.D.
Ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE của cổ phiếu VIB. Ảnh: V.D.

Chạy đua để niêm yết

Mới đây, liên tiếp hai ngân hàng chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) trong năm nay. Theo đó, ngày 9-11, gần 977 triệu cổ phiếu ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức giao dịch trên sàn HOSE, sau đó một ngày là gần 924,5 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB).

Cả hai ngân hàng nói trên đều đã đăng ký giao dịch trên UPCoM từ năm 2017, được xem là giai đoạn đủ dài để chuyển niêm yết sang sàn chứng khoán tiêu chuẩn cao nhất hiện nay.

Như vậy, tổng kết từ đầu năm đến nay thị trường đã có hai ngân hàng LPB, và VIB hoàn thành việc chuyển đăng ký giao dịch từ UPCoM sang niêm yết HOSE, còn ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Nam Á thì hoàn tất đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ngân hàng đang nỗ lực chạy đua cho hạn chót niêm yết vào cuối năm nay. Theo kế hoạch chưa có cập nhật mới, SHB và ACB là hai tên tuổi kế tiếp có thể chuyển sàn từ Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE. Trong khi đó, trường hợp của Ngân hàng OCB và ngân hàng MSB và SeABank sẽ phức tạp hơn một chút, vì sẽ lần đầu niêm yết thẳng lên HOSE.

Trên thực tế, năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức, theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Dưới áp lực này, một số ngân hàng quy mô nhỏ thì chọn sàn UPCoM, còn một số niêm yết trực tiếp trên HOSE thay vì qua “cửa” HNX, được xem là có tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn.

Một lý do khác nữa là từ đầu năm sau, khi Luật chứng khoán mới có hiệu lực, các công ty đại chúng phải mất 2 năm kể từ ngày đầu tiên giao dịch trên UPCoM mới có thể nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức. Đó cũng là lý do khiến các ngân hàng chưa niêm yết khó lòng trì hoãn thêm nếu thực sự muốn đẩy mạnh sự minh bạch và tính thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường.

Ở góc độ ngân hàng, các lãnh đạo nhà băng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tính thanh khoản và giá trị của cổ phiếu. “Thông qua việc cổ phiếu VIB được chính thức niêm yết trên sàn HOSE, chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng sẽ mang lại những giá trị ngày càng cao hơn cho cổ đông về sự minh bạch, về quy mô giao dịch, về tính thanh khoản của cổ phiếu”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc ngân hàng VIB chia sẻ tại buổi lễ niêm yết mới đây.

Áp lực tăng vốn là điều không đơn giản

Theo quan sát, một điều thú vị là có những ngân hàng không hẳn vì chịu áp lực pháp lý vì đã niêm yết trên HNX như SHB, ACB, hay đã đăng đăng ký giao dịch trên UpCom (VIB, LPB) trong gần 3 năm, nhưng vẫn có kế hoạch chuyển sang sàn HOSE.

Trong những năm trước, các ngân hàng thường viện lý do chậm trễ niêm yết là do điều kiện thị trường bất lợi. Thế nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và cả hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn buộc phải chạy đua để tăng vốn, và niêm yết HOSE được xem là một phương án giúp tiếp cận vốn tốt hơn.

Một quan sát dễ thấy tiếp theo là những ngân hàng đăng ký chuyển sàn hay niêm yết trên HOSE đều có diễn biến tích cực về giá cổ phiếu, từ đó giúp đẩy nhanh thanh khoản. Chẳng hạn, thị giá VIB ở mức 32.700 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với mức cuối năm ngoái.

Trường hợp cổ phiếu LPB của ngân hàng LienVietPostBank cũng là một câu chuyện ví dụ về “cú hích” chuyển sàn giúp “đẩy” giá cổ phiếu.

Trên thực tế, LienVietPostBank giao dịch trên UPCoM từ tháng 10-2017, được kỳ vọng vào lợi thế về quy mô mạng lưới sau thương vụ kết hợp với công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.

Tuy nhiên, sau khi lên được “mức đỉnh” khoảng 17.600 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu năm 2018, cổ phiếu LPB liên tục “nằm” dưới mệnh giá. Tính đến ngày 11-11, thị giá LPB ở mức 11.750 đồng/cổ phiếu, tăng gần 73% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Một trường hợp khác có thị giá tăng đáng kể dù kế hoạch chuyển sàn vẫn đang thực hiện là SHB. Theo đó, tính đến ngày 11-11, thị giá SHB ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 3 lần so với mốc cuối năm ngoái. Cổ phiếu SHB ghi nhận vượt mệnh giá sau phiên tăng trần vào đầu tháng 3 năm nay, trong khi lần gần nhất trước đó là vào giữa tháng 5-2018.

Cú “đẩy” về thị giá được tạo ra trong bối cảnh ngân hàng đua chuyển sàn, nhưng sâu xa hơn là cuộc đua tăng vốn để kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động mới theo Basel II, vốn cũng sắp đến hạn chót, và năm nay còn đặc biệt hơn là nguy cơ nợ xấu từ Covid-19.

Hàng loạt các ngân hàng vẫn đặt việc tăng vốn là yêu cầu cấp thiết và cần thực hiện, đa số phương án thực hiện từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, VIB mới đây cũng vừa công bố 20-11 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu, dự kiến tăng vốn từ 9.245 tỉ đồng lên 11.094 tỉ đồng.

Tương tự, vào giữa tháng 10 vừa qua, LienVietPostBank cũng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ gần 9.770 tỉ đồng lên 10.746 tỉ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019. Theo đó, trong quí 4 này, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.

SHB vẫn đang tiếp tục kế hoạch tăng vốn thêm hơn 5.500 tỉ đồng, tương đương mức tăng 46%, được thông qua từ hồi cuối năm ngoái. Tính đến cuối quí 3, vốn điều lệ của SHB ở mức 17.558 tỉ đồng so với con số 14.551 tỉ đồng vào cuối quí 4-2019.

Có thể thấy những ngân hàng có kế hoạch niêm yết trên HOSE đều đặt ra kế hoạch tăng vốn “khủng”. Dưới áp lực tăng vốn, việc niêm yết trên sàn HOSE dường như sẽ là phương án bổ trợ đáng kể cho khả năng tiếp cận vốn.

Hướng đến mục tiêu nâng tầm quy mô chứng khoán

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán SSI, nhu cầu vốn là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến làn sóng niêm yết HOSE có thể là do nhu cầu vốn.

Theo đó, việc lên sàn niêm yết có chất lượng cao nhất giúp các công ty niêm yết, bao gồm cả ngân hàng, có thể tiếp cận được dòng vốn tốt hơn. Chẳng hạn như có thể giao dịch ký quỹ (được phép giao dịch ký quỹ sau 6 tháng kể từ ngày niêm yết), hay đủ điều kiện để các quỹ đầu tư có quy mô lớn rót vốn vào, đặc biệt là các quỹ ngoại.

“Việc niêm yết trên HOSE có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn”, SSI nhận định.Trong khi đó, các cổ đông ngân hàng đều đặt ra kỳ vọng sớm chuyển sang niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán có tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam sẽ góp phần đưa giá cổ phiếu về đúng giá trị thực. Đây cũng là câu chuyện được nhiều cổ đông và lãnh đạo ngân hàng nhắc đến thường xuyên trong các cuộc họp đại hội cổ đông.

“Về phía ngân hàng, chúng tôi chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cho các nhà đầu tư mới trong năm 2020, nhưng các kế hoạch như vậy trong tương lai chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Điều này giúp chúng tôi tăng cường khả năng huy động vốn mới từ thị trường chứng khoán trong những năm sắp tới để đáp ứng một VIB tiếp tục tăng trưởng năng động với tốc độ cao”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết.

Ở góc độ chung tổng thể, cuộc đua lên sàn của các ngân hàng còn giúp thị trường sẽ có thêm hàng hóa cho nhà đầu tư lựa chọn đa dạng và phong phú hơn, đồng thời nâng tầm quy mô chứng khoán của Việt Nam, một chuyên gia tài chính nhìn nhận.

Thống kê của SSI cho thấy trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần thì có 10 ngân hàng lớn đã niêm yết trên HOSE, ba ngân hàng niêm yết trên HNX và bảy ngân hàng nhỏ trên UPCoM. “Nếu các ngân hàng này đều niêm yết trên HOSE, vốn hóa thị trường của ngành ngân hàng trên tổng vốn hóa thị trường sẽ tăng từ 27% lên 30%”, SSI nhận định.

Chuyên đề