Bán gấp, bán "cắt lỗ" căn hộ chung cư mong thoát nợ

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều quảng cáo rao bán căn hộ chung cư "cắt lỗ". Nguyên nhân phần nhiều là do người mua nhà không thể xoay được tiền trả theo tiến độ của dự án, bởi thu nhập giảm sút do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người mua nhà cạn kiệt tài chính do không có nguồn thu đã phải rao bán căn hộ. Ảnh minh họa
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người mua nhà cạn kiệt tài chính do không có nguồn thu đã phải rao bán căn hộ. Ảnh minh họa

Thị trường chung cư nói riêng và thị trường bất động sản nói chung đều đang chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Khảo sát gần đây cho thấy nhiều thông tin rao bán căn hộ chung cư với các cụm từ "cắt lỗ", "cần tiền bán gấp", "cần bán nhanh"...

Thực tế, người mua căn hộ chung cư trả góp hoặc thanh toán theo tiến độ từ trước dịch Covid-19 xảy ra, đến nay đang hết sức khó khăn vì không xoay kịp tiền để thanh toán cho chủ đầu tư theo kỳ hạn hay trả góp gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng.

Anh Đỗ Văn Hiến, đang là một nhân viên kinh doanh ở Hà Nội cho biết, gia đình anh mua một căn hộ ở Thanh Xuân, thanh toán theo tiến độ. Khi dịch Covid-19 xảy ra, công ty khó khăn, thu nhập giảm, anh không kham nổi tiền nhà. Xoay đủ cách nhưng vẫn không có tiền, anh đành rao bán căn hộ "cắt lỗ" nhưng 3-4 tháng nay vẫn chưa có ai mua.

"Tôi đã trễ hạn thanh toán 1 kỳ, nếu thêm 1 kỳ nữa sẽ bị chủ đầu tư thu hồi nhà, còn phải đóng tiền phạt và các loại phí khác. Tôi thật sự lo lắng, bất an…", anh Hiến than thở.

Tương tự, hai tháng nay, anh Đỗ Văn Cường đang rao bán gấp căn chung cư gần 74m2 tại quận Hà Đông với giá 2,1 tỷ đồng, giảm 200 triệu đồng so với năm ngoái và chưa kể chi phí làm nội thất mà vẫn chưa bán được.

"Tôi mua được căn nhà này phải chịu thêm cả giá chênh, chưa kể giờ phải còn trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nếu không bán được nhà, tôi có thể bị ngân hàng siết nợ và thu mất nhà", anh Cường nói.

Đại diện 1 doanh nghiệp địa ốc thừa nhận, dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng mất việc, giảm thu nhập..., ảnh hưởng tới việc trả tiền mua nhà theo tiến độ dự án. Một số khách hàng bị mất khả năng thanh toán đã chấp nhận mất tiền cọc hoặc chịu phí phạt để trả nhà và nhận lại một phần tiền đã đóng. Thực tế này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh, dòng tiền, chi phí triển khai dự án của chủ đầu tư; ngay cả đối tác cung cấp vật liệu, nhà thầu xây dựng.

Trước tình trạng khó khăn trên, nhiều người vay mua nhà trả góp đã phản ánh hoặc gửi đơn đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi vay hay cơ cấu lại thời gian trả nợ nhằm giúp họ giảm bớt áp lực tài chính.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng kiến nghị các NHTM xem xét cho người vay mua nhà được giảm lãi suất, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc... để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Thông tư 01 của ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, thời gian qua thị trường bất động sản khá trầm lắng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; Doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản bị thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Tỉ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí... nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 7/2020 là 3.372 doanh nghiệp, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4,8% so với tháng 6/2020.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm đã có gần 63.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.

Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Trong đó, một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 đó là kinh doanh bất động sản, với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5%.

Chuyên đề