Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Ngày 25/11, tại Hội nghị Trung ương Đảng khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”.
Mục tiêu của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Việc tinh gọn sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo ra sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi để tăng năng lực quản trị quốc gia, cải thiện sức cạnh tranh trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Quyết tâm chính trị cùng sự đồng thuận xã hội trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được kỳ vọng sẽ tạo ra bộ máy hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn tầm.
Việt Nam tiếp tục nâng cấp quan hệ với nhiều quốc gia
Năm 2024 đánh dấu những cột mốc mới trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các quốc gia, mở ra cơ hội lớn về hợp tác đa lĩnh vực từ thương mại, đầu tư đến an ninh, quốc phòng. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước Australia, Pháp, Malaysia lần lượt vào tháng 3/2024, tháng 10/2024 và tháng 11/2024, nâng tổng số quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam lên 9 nước, gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia.
Cũng trong năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ song phương với Mông Cổ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lên Đối tác toàn diện lần lượt vào tháng 9/2024 và tháng 10/2024, định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và toàn diện. Tháng 11/2024, Việt Nam và Brazil chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 17 năm Đối tác toàn diện.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt mục tiêu, tiếp tục cao hơn nhiều nền kinh tế khác
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 dự báo đạt trên 7%, tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân trong khu vực ASEAN (dự báo 4,7%) và thế giới (dự báo 3,2 - 3,3%). Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2024 là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt kỷ lục 800 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%... Từ thành quả này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt tăng trưởng GDP hai chữ số trong năm 2025, tiếp tục vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (trên 7%).
“Cú hích” trong phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Năm 2024 ghi nhận những bước tiến rõ rệt trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo điều kiện kết nối, hợp tác để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hướng tới mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Ngày 5/12, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới - NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Hai trung tâm sẽ tập trung phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông và tài chính, đồng thời đào tạo nhân tài AI cho Việt Nam.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP, đồng thời xác định, làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) và 30 dự án luật khác
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 441/448 đại biểu biểu quyết tán thành. Việc sửa đổi Luật nhằm tháo gỡ căn bản vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công 2019. Luật Đầu tư công (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng. Đặc biệt, Luật cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, nhằm gỡ nút thắt khó nhất trong giải ngân vốn đầu tư công từ trước đến nay.
Bên cạnh Luật Đầu tư công (sửa đổi), năm 2024, Quốc hội thông qua 30 dự án luật khác, trong đó có Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu…
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thông qua chủ trương đầu tư
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 1.713.548 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 1.541 km, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quyết định đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế cùng sự thay đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, ngày 30/11/2024, Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Theo thống kê, tổng công suất hệ thống điện Việt Nam hiện khoảng 85.000MW, cần có thêm khoảng 70.000 MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000 MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt là 400.000 đến 500.000 MW. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Kỳ tích Dự án đường dây 500kV mạch 3
Sau hơn 6 tháng thi công, ngày 29/8/2024, Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối chính thức hoàn thành, lập kỳ tích về tiến độ. Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 22.300 tỷ đồng, tổng chiều dài 519 km, đi qua 9 tỉnh. Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực kết nối lưới điện truyền tải liên miền Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nếu như đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 được xây dựng bằng tinh thần phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự cường dân tộc, thì Dự án đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Dự án có sự tham gia của 15.000 kỹ sư và công nhân, cùng nhiều sáng kiến kỹ thuật để “thần tốc” về đích.
Bước tiến mới trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Hệ thống ngân hàng có 4 nhà băng được đưa vào diện bắt buộc mua lại 0 đồng. Sau quyết định trên, 2 ngân hàng còn lại là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu và Ngân hàng TMCP Đông Á sẽ chuyển giao trong thời gian sớm nhất.
Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.