WTO nâng dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nâng dự báo về tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu ở mức 10,8% cho năm 2021 và 4,7% cho năm 2022, tăng thêm tương ứng 2,8% và 0,7% so với dự báo đưa ra hồi tháng 3. Dự báo này dựa trên cơ sở sự hồi phục của hoạt động kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2021, qua đó đưa khối lượng thương mại hàng hóa lên trên mức đỉnh trước đại dịch.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo WTO, tăng trưởng sẽ ở mức vừa phải khi hoạt động buôn bán hàng hóa tiếp cận với xu hướng dài hạn trước đại dịch. Các vấn đề từ phía nguồn cung như khan hiếm chất bán dẫn và hàng hóa tồn đọng tại các cảng có thể làm căng thẳng chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến thương mại ở các khu vực cụ thể, nhưng không có khả năng tác động lớn đến tổng thể toàn cầu.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, thương mại là một công cụ quan trọng trong việc chống lại đại dịch và sự tăng trưởng mạnh mẽ này nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại trong việc củng cố sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc tiếp cận không bình đẳng đối với vắc xin đang làm trầm trọng thêm sự phân hóa kinh tế giữa các khu vực. Tình trạng này càng kéo dài, càng có nhiều khả năng các biến thể nguy hiểm hơn của Covid-19 xuất hiện, cản trở tiến bộ kinh tế và sức khỏe mà thế giới đã đạt được cho đến nay.

WTO dự báo, tăng trưởng sản lượng hàng xuất khẩu năm 2021 tại khu vực châu Âu là 9,7%; châu Á là 14,4 %; châu Phi là 7%; Bắc Mỹ là 8,7%; Nam Mỹ là 7,2%... Trong khi đó, sản lượng hàng nhập khẩu năm 2021 dự kiến sẽ tăng 12,6% ở Bắc Mỹ; 19,9% ở Nam Mỹ; 9,1% ở châu Âu; 11,3% ở châu Phi; 10,7% ở châu Á...

Theo WTO, những rủi ro đối với thương mại toàn cầu dù đang có xu hướng giảm, nhưng tầm quan trọng tương đối của những tác động này rất khó đánh giá. Chúng bao gồm lạm phát tăng vọt, thời gian trì hoãn hàng hóa ở cảng lâu hơn, cước vận chuyển cao hơn và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn kéo dài, cùng với đó là sự gián đoạn nguồn cung ngày càng trầm trọng hơn do nhu cầu phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ bất ngờ ở nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi. Bản thân đại dịch còn tiềm ẩn những rủi ro thậm chí còn lớn hơn đối với thương mại và sản xuất của thế giới, đặc biệt nếu xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm hơn.

WTO cũng cho rằng, sự gia tăng gần đây của lạm phát có thể là tạm thời, do các cú sốc từ phía cung ảnh hưởng đến một số lĩnh vực nhất định trong các nền kinh tế cụ thể sẽ được cân bằng với sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu. Tuy nhiên, nếu những dự báo về lạm phát không khả quan, các ngân hàng trung ương có thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến luân chuyển thương mại. Giai đoạn sau đại dịch có thể chứng kiến một số biến động khi chính sách tiền tệ bình thường hóa và các chính phủ chuyển sang chính sách tài khóa bền vững hơn.

Chuyên đề