Vòng xoay tiền tỷ tại IUC và BGI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tại Tỉnh đến thời điểm ngày 31/8/2024. Đứng đầu trong danh sách này là Công ty CP Tập đoàn IUC với khoản nợ 176,7 tỷ đồng. IUC đang mắc nợ Công ty CP Tập đoàn BGI (mã chứng khoán: VC7) hơn 700 tỷ đồng để đầu tư hai dự án bất động sản…
Diễn biến giá cổ phiếu VC7 của Công ty CP Tập đoàn BGI
Diễn biến giá cổ phiếu VC7 của Công ty CP Tập đoàn BGI

Dòng tiền huy động cổ đông của BGI chảy đi đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, IUC hiện có vốn điều lệ 750 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hoài Thu là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 53,69% vốn điều lệ và chồng là ông Hoàng Trọng Đức sở hữu 6,39%. Số còn lại, 39,47% vốn điều lệ của IUC do BGI nắm giữ.

Tại BGI, gia đình ông Đức sở hữu 45,13% vốn điều lệ. Như vậy, thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp, gia đình ông Đức đang nắm giữ 77,89% vốn điều lệ của IUC - một tỷ lệ đủ để đưa ra mọi quyết sách tại doanh nghiệp này.

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2024 đã được kiểm toán, BGI có tổng tài sản 1.490 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản phải thu với IUC lên đến gần 740 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng tài sản. Trong số này, đáng chú ý là khoản phải thu dài hạn 680,2 tỷ đồng theo Hợp đồng hợp tác ngày 12/7/2023 giữa BGI và IUC thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, thuộc khu E - Đô thị mới An Dương Vương tại Thừa Thiên Huế (tên thương mại là BGI Diamond Bay), tổng mức đầu tư 2.158 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2024, BGI đã góp hơn 480 tỷ đồng thực hiện Dự án.

BGI cũng ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn 52,9 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu liên quan thỏa thuận liên danh dự thầu ngày 20/5/2020 và Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 26/10/2020 giữa BGI với IUC, phân công IUC đại diện cho Liên danh, nhân danh và thay mặt cho Liên danh quyết định và thực hiện Dự án Chỉnh trang Khu dân cư tại lô CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép thuộc khu A - Đô thị mới An Dương Vương tại Thừa Thiên Huế, có tổng mức đầu tư 630,4 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2024, BGI đã góp hơn 240 tỷ đồng thực hiện dự án này theo Thỏa thuận liên danh dự thầu trên từ nguồn vốn điều lệ tăng thêm trong năm 2021.

Ngoài ra, BGI còn cho IUC vay 6 tỷ đồng theo Khế ước số 01/2024/VV/XDBGI-IUC ngày 28/3/2024 (thời hạn cho vay 12 tháng).

Thông tin từ Nghị quyết kế hoạch sử dụng vốn từ đợt chào bán của BGI cho biết, phần lớn số tiền chuyển cho IUC được BGI huy động từ đợt chào bán hơn 48 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu vào tháng 12/2023, thu về hơn 480 tỷ đồng và đợt chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu cho cổ đông vào tháng 11/2021, thu về hơn 240 tỷ đồng. Trước thời điểm thực hiện chào bán cổ phiếu mới cho cổ đông, giá cổ phiếu VC7 có nhiều đợt tăng sốc.

Công ty CP Tập đoàn IUC được thành lập tháng 10/2009, hiện có vốn điều lệ 750 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Theo Báo cáo tài chính riêng năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 82,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 34 tỷ đồng.

Về phía IUC, theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh nghiệp này đã cho bà Thu vay theo Hợp đồng cho vay tiền số 01/2023/HĐV ký ngày 1/11/2023, số tiền cho vay 650 tỷ đồng với lãi suất 2,8%/năm; cho ông Đức vay theo Hợp đồng cho vay tiền số 02/2023/HĐV ký ngày 15/12/2023, số tiền 105 tỷ đồng với lãi suất 2,8%/năm. Cả 2 khoản cho vay này đều có mục đích để các cá nhân phục vụ kinh doanh.

Như vậy, một lượng tiền lớn mà BGI huy động từ các cổ đông đã được chuyển vào IUC để thực hiện 2 dự án bất động sản ở Huế và sau đó được IUC cho vợ chồng Chủ tịch BGI vay với mục đích kinh doanh.

Dòng tiền kinh doanh liên tục âm

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, BGI ghi nhận 131 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 39%. Dù vậy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này âm hơn 46,7 tỷ đồng.

Tình trạng kinh doanh có lãi nhưng không thu được tiền của BGI cũng xảy ra trong 3 năm trước đó. Cụ thể, trong năm 2023, BGI lãi ròng 42,4 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh âm 414,4 tỷ đồng. Con số này trong năm 2022 và năm 2021 lần lượt là âm 84,7 tỷ đồng và âm 148,6 tỷ đồng.

Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, khi doanh nghiệp đang tăng trưởng hoặc đã tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhưng dòng tiền liên tục âm thì đây có thể là một chỉ báo tiêu cực. Lý do là dòng tiền tài chính có tính chất “nghĩa vụ” và sẽ đáo hạn trong tương lai. Nếu những khoản đầu tư sản xuất, kinh doanh không hiệu quả để có thể mang về dòng tiền kinh doanh dương thì khi những nghĩa vụ tài chính đáo hạn và cần thực hiện, doanh nghiệp chỉ có thể “đảo nợ”, tiết giảm chi phí hoặc bán bớt tài sản.

Chuyên đề