VND tăng giá, lo cạnh tranh xuất khẩu giảm

Bất chấp đồng USD trên thị trường thế giới tăng mạnh, tỷ giá trong nước vẫn giảm nhẹ do nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Việc USD trong nước giảm giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiết giảm chi phí khi tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng việc VND lên giá có thể làm giảm tính cạnh tranh của xuất khẩu.
Từ giữa tháng 4 đến nay, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng tới 47 đồng/USD
Từ giữa tháng 4 đến nay, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng tới 47 đồng/USD

USD diễn biến trái chiều

Đồng USD trên thị trường thế giới bật tăng khá mạnh từ tuần trước nhờ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nguồn cung nợ Chính phủ Mỹ tăng và sức ép lạm phát do giá dầu tăng. Đặc biệt, đồng bạc xanh đã ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2016 trong tuần qua, đưa chỉ số USD lên 91,71 điểm – mức cao nhất kể từ ngày 12/1/2018.

Thế nhưng, tỷ giá trên thị trường trong nước lại liên tục giảm trong mấy phiên gần đây, cho dù NHNN liên tục tăng tỷ giá trung tâm. Cụ thể, so với thời điểm ngày 13/4, tỷ giá trung tâm đã điều chỉnh tăng tới 47 đồng/USD. Trong cùng thời gian này, tỷ giá tại các ngân hàng giảm khoảng 25 đồng/USD. Hiện giá bán ra USD của các ngân hàng phổ biến ở mức 22.800 đồng/USD, trong khi giá mua vào khoảng 22.710 - 22.730 đồng/USD.

Lý giải về việc tỷ giá trong nước giảm, Nhóm Nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được bổ sung với khối lượng lớn, trong khi nhu cầu ngoại tệ duy trì khá ổn định. Ước tính chênh lệch cung - cầu vào khoảng 500 triệu USD và nghiêng về phía cung. Bên cạnh số liệu xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4 duy trì trạng thái tích cực khi Tổng cục Hải quan công bố cán cân thương mại ước tính thặng dư khoảng 360 triệu USD, dòng tiền đáng chú ý nhất trong tuần qua thuộc về giao dịch 1,3 tỷ USD của Vinhomes và Quỹ đầu tư GIC của Singapore.

Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND - USD có xu hướng mở rộng nhẹ do lãi suất VND tăng ở tất cả các kỳ hạn, trong khi lãi suất USD hầu như đứng yên. Tham chiếu theo VNIBOR, chênh lệch lãi suất các kỳ hạn qua đêm - 3 tháng ở mức -0,38% -0,33% (tăng từ mức -0,93% -0,03% của tuần trước). Lãi suất VND tăng khoảng 40-60 điểm ở các kỳ hạn trong tuần, khiến cho chi phí nắm giữ USD tăng. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện NHNN có nhiều công cụ để ổn định thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, cơ quan này đang nắm lượng dự trữ dồi dào để điều hòa tỷ giá, nên giá USD trên thế giới cho dù biến động, nhưng trong nước vẫn ổn định.

Lo xuất khẩu giảm cạnh tranh

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN nhận định, việc thay đổi chính sách tiền tệ, tài khóa tại các nước lớn, nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và Chính phủ Mỹ thực hiện Chương trình cải cách thuế có thể tác động tiêu cực lên dòng vốn vào/ra, qua đó tác động lên tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam. Theo đó, xu hướng tăng lãi suất trên thế giới sẽ tạo áp lực tăng lãi suất USD trong nước, kéo theo áp lực lên mặt bằng lãi suất VND để đảm bảo lợi ích nắm giữ VND.

“Xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn có tác động lên chênh lệch lãi suất USD - VND và gây ảnh hưởng tâm lý, dẫn đến khó khăn, thách thức cho việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ của NHNN”, vị lãnh đạo trên nhận định.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, nguồn cung ngoại tệ dồi dào và tỷ giá trên thị trường trong nước giảm đã tạo điều kiện cho NHNN mua vào được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhóm Nghiên cứu của BIDV ước tính, dự trữ ngoại hối đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 63-64 tỷ USD, tăng thêm khoảng 1-2 tỷ USD so với mức công bố của NHNN tại thời điểm tháng 2/2018.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại việc tỷ giá trong nước giảm, trong khi đồng USD trên thị trường thế giới đang tăng rất cao vô hình chung đã khiến VND tăng giá so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Điều này không có lợi cho xuất khẩu.

Còn nhớ những năm trước đây, NHNN đã nhiều lần nâng giá mua vào USD mỗi khi tỷ giá trong nước có những biến động tương tự như thời điểm hiện nay, khi tỷ giá trong nước giảm dù đồng USD trên thị trường thế giới tăng. Đó là một tín hiệu của cơ quan quản lý muốn tỷ giá trên thị trường ngừng giảm để không ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Sau những động thái như vậy, tỷ giá trên thị trường đã tăng trở lại, bám sát hơn với diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới.                

Ngày 27/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ ở mức 22.539 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.700 đồng/USD và bán ra ở mức 23.193 đồng/USD.

Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô-la Mỹ mua vào-bán ra phổ biến ở mức 22.730-22.800 đồng/USD như Vietcombank, ACB và BIDV, VietinBank là 22.732-22.802 đồng/USD, Techcombank là 22.710-22.805 đồng/USD.

Trong khi đó, diễn biến trên thị trường thế giới lại khá trái ngược. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục tăng, đứng ở mức 91,60 điểm ngày 27/4.

Tỷ giá đồng USD sáng ngày 27/4 tăng lên mức cao nhất so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt khác trong 3,5 tháng qua do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên trong 4 năm vượt mốc 3% ở phiên cuối tuần qua, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung nợ Chính phủ Mỹ và sức ép lạm phát do giá dầu cùng tăng.

Chuyên đề