Vinaincon thua lỗ kéo dài, nhiều nhà băng mắc kẹt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với kết quả tiếp tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu âm tới hơn 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinaincon vẫn đang gánh nhiều khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng vay từ các tổ chức tín dụng trong nước.
Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của Vinaincon lên đến 6.525 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Thắng
Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của Vinaincon lên đến 6.525 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Thắng

Thua lỗ 4 năm liên tiếp

Vinaincon được thành lập tháng 9/1998 theo Quyết định số 63/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây lắp thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các công ty xây dựng chuyên ngành thuộc ngành công nghiệp. Ngày 1/6/2011, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Vốn điều lệ của Vinaincon là 550 tỷ đồng.

Năm 2020, doanh thu thuần của Vinaincon tăng 5,3% so với năm 2019, từ 4.348 tỷ đồng lên 4.591 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 18,5% từ 267,3 tỷ đồng lên 328,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt từ mức 159,3 tỷ đồng lên 248,6 tỷ đồng, tương đương tăng 56%, chiếm đến hơn hai phần ba lợi nhuận gộp của Vinaincon. Hơn một nửa chi phí tài chính là lãi vay (165,5 tỷ đồng), tiếp đến là lỗ chênh lệch tỷ giá 82,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng, lợi nhuận sau thuế của Vinaincon năm 2020 âm 179 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ 2017 - 2019, Vinaincon cũng liên tục thua lỗ, lần lượt là 54, 284 và 118,1 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2020 âm tới 726 tỷ đồng. Tỷ suất giá vốn trên doanh thu thuần luôn ở mức xấp xỉ 0,93. Như vậy, nếu chi phí tài chính của Vinaincon không được kiểm soát một cách hiệu quả sẽ kéo theo sự yếu kém của hoạt động kinh doanh.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 1/2021, Vinaincon cho biết, ngoài những yếu tố khách quan như dịch Covid-19, vấn đề nổi cộm gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là quản lý xây dựng chưa chuyên nghiệp, các tồn tại nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Trong các năm tới, ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ tìm cách tạo ra sản phẩm mới đáp ứng thị trường, giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất…

Nhiều nhà băng mắc kẹt

Thua lỗ liên tiếp không phải là nỗi buồn duy nhất của Vinaincon và cổ đông lớn sở hữu hơn 80% vốn điều lệ là Bộ Công Thương, mà còn của cả không ít nhà băng và chủ nợ. Cơ cấu nguồn vốn bị mất cân đối của doanh nghiệp này là điều đáng quan ngại. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của Vinaincon lên đến 6.525 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 5.799 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay các tổ chức, cá nhân là hơn 4.105 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.

Chủ nợ lớn nhất của Vinaincon hiện vẫn là Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển (VDB) khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên với số dư cuối năm 2020 lần lượt là 1.979 tỷ đồng và 1.101 tỷ đồng, tăng tương ứng 76 tỷ đồng và 37 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Được biết, khoản nợ Bộ Tài chính được Tổng công ty dùng để thanh toán tiền mua máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng cung cấp thiết bị của Dự án Xi măng Thái Nguyên và hợp đồng ứng vốn trả nợ nước ngoài, cụ thể là Ngân hàng BNP Paribas.

Ngoài 2 chủ nợ lớn trên, nợ vay của Vinaincon tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thời điểm cuối năm 2020 cũng tăng thêm 3 tỷ đồng so với đầu năm, lên 676,6 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác cũng đang “kẹt” tiền tại Vinaincon như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với số dư 105,4 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với số dư 44,1 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ, mất vốn, Vinaincon vẫn đang tiếp tục phát sinh nhiều khoản nợ phải thu có quy mô lớn. Trong đó, các khoản nợ xấu có nguy cơ mất trắng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, số dư các khoản phải thu ngắn hạn của Vinaincon là 1.492 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng tài sản ngắn hạn của Tổng công ty. Trong đó, tổng giá trị các khoản nợ xấu, nợ khó đòi lên đến 187 tỷ đồng.

Chuyên đề