Vinaincon lên sàn với khoản lỗ gần 800 tỷ đồng

(BĐT) - Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) có vốn điều lệ 550 tỷ đồng, trong đó Bộ Công Thương sở hữu 82,75% vốn điều lệ. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Được cổ phần hóa từ năm 2011, nhưng đến ngày 5/10/2017, toàn bộ 55 triệu cổ phần của Vinaincon mới được chấp thuận giao dịch trên UPCoM. Kết quả kinh doanh “bết bát” của Vinaincon vì thế cũng được hé lộ.

Lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng

Vinaincon được thành lập tháng 9/1998 theo Quyết định của Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây lắp thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các công ty xây dựng chuyên ngành thuộc ngành công nghiệp. Ngày 1/6/2011, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Căn cứ theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2017, doanh thu 6 tháng 2017 của Vinaincon đạt 1.795 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế âm 47 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2016 lỗ gần 118 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Vinaincon lỗ 316 tỷ đồng, còn năm 2016 lãi 506 tỷ đồng. Đáng lưu ý là trong năm 2016, Vinaincon có lãi là do được Chính phủ phê duyệt phương án giảm phần lãi vay, phí bảo lãnh của các năm tài chính trước, làm cho doanh thu tài chính năm 2016 tăng thêm 507 tỷ đồng.

Tham gia thi công nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia như hệ thống đường dây và trạm 500kV Nam - Bắc mạch 2, tuy nhiên hoạt động kinh doanh chính của Vinaincon trong những năm gần đây đều không mang lại lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận thuần hoạt động năm 2015 âm 344 tỷ đồng; năm 2016 tuy dương 450,7 tỷ đồng nhưng chủ yếu là vì trong năm này Vinaincon ghi nhận thêm 507 tỷ đồng doanh thu tài chính do được Chính phủ phê duyệt phương án giảm phần lãi vay, phí bảo lãnh của các năm tài chính trước. Với nửa đầu năm 2017, lợi nhuận thuần hoạt động của Tổng công ty âm 75,6 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2017, lỗ lũy kế của Vinaicon là 797,6 tỷ đồng. Kết quả này làm cho vốn chủ sở hữu của Tổng công ty chỉ còn hơn 9 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động kinh doanh hợp nhất của Vinaincon thua lỗ là do phải hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn - Công ty có 100% vốn của Vinaincon. Tính đến thời điểm 30/6/2017, số lỗ lũy kế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Quang Sơn được hợp nhất trong Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất năm 2017 là âm 1.060 tỷ đồng, trong đó, số lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của công ty này là gần 90 tỷ đồng. 

Áp lực nợ vay

55 triệu cổ phiếu của Vinaincon đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VVN. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên vẫn chưa được công bố, trong khi giá trị sổ sách của Công ty mẹ tại thời điểm chốt danh sách lưu ký chứng khoán vào khoảng 12.500 đồng/cổ phiếu.
Ngoài hoạt động kinh doanh không hiệu quả, sức khỏe tài chính của Vinaincon cũng không mấy khả quan. Tại thời điểm cuối quý II/2017, tổng nợ phải trả của Vinaincon là 6.339 tỷ đồng, chiếm 99% tổng tài sản. Trong nợ phải trả, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nợ vay (bao gồm cả nợ dài hạn và ngắn hạn) với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 64%.

Gánh nặng nợ của Vinaincon chủ yếu đến từ Xi măng Quang Sơn khi chỉ riêng doanh nghiệp này đã vay nợ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là khoản nợ dài hạn trị giá 1.729 tỷ đồng mà Vinaincon vay từ Bộ Tài chính theo hợp đồng ứng vốn trả nợ nước ngoài từ quỹ tích lũy và thanh toán tiền mua máy móc và thiết bị cho Dự án Nhà máy Xi măng. Đây là một phần trong những cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ đối với dự án này, bên cạnh các khoản vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, vay thương mại… lên đến 95% tổng mức đầu tư, tương đương 3.046 tỷ đồng.

Ngoài ra, Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 của Vinaincon cũng cho biết doanh nghiệp này còn gần 146 tỷ đồng cho vay, nhưng khó có khả năng thu hồi được.

Chuyên đề