Ví điện tử trước cuộc đua khó khăn

(BĐT) - Hiện có 26 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Nhiều công ty công nghệ cũng đang xếp hàng chờ được cấp phép hoạt động loại hình dịch vụ này. 
Các công ty công nghệ mạnh tay chi tiền cho các chương trình khuyến mãi để gia tăng người dùng và tranh giành thị phần. Ảnh: Nhã Chi
Các công ty công nghệ mạnh tay chi tiền cho các chương trình khuyến mãi để gia tăng người dùng và tranh giành thị phần. Ảnh: Nhã Chi

Cuộc đua trên thị trường ví điện tử càng gay cấn hơn khi các “tay chơi” lớn là những hãng viễn thông đang chuẩn bị tham gia lĩnh vực thanh toán điện tử bằng thẻ cào.

Đang ở giai đoạn “đốt” tiền

“Từ nay đến hết 31/3/2019, khách hàng thanh toán thành công hóa đơn các dịch vụ điện, nước, Internet, truyền hình, di động trả sau, điện thoại cố định, phí chung cư, môi trường đô thị, vay tiêu dùng trên Ví ABC sẽ nhận ngay 100.000 VND”. Đây là mẫu quảng cáo khá quen thuộc của nhiều dịch vụ ví điện tử (tài khoản điện tử được tích hợp trong ứng dụng điện thoại giúp người dùng đựng tiền từ tài khoản ngân hàng và thanh toán một cách linh hoạt) trong thời gian gần đây.

Với khoảng hơn 10 triệu người dùng ví điện tử, các công ty công nghệ khá mạnh tay chi tiền cho các chương trình khuyến mãi ngày càng lớn để gia tăng người dùng và tranh giành thị phần.

Bình luận về diễn biến này, ông Hoàng Mạnh Hà - Giám đốc công nghệ Công ty CP 1PAY nói: “Vài năm trước đây, các công ty trong lĩnh vực ví điện tử đều ở giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hạ tầng. Đến nay, các công ty đều đã đến một độ chín nhất định và rõ ràng đang ở trong giai đoạn đốt tiền, đặc biệt với những công ty vừa được rót vốn lớn. Càng cạnh tranh thì càng phải chi tiền nhiều hơn. Giờ đây, thị trường có thể sẽ chuyển động theo hướng phần thắng thuộc về người trường vốn”.

Điểm đáng chú ý với thị trường ví điện tử của Việt Nam là chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và người dùng Việt Nam có xu hướng muốn thử nghiệm công nghệ mới.

Hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp, lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính nói chung và ví điện tử nói riêng để xây dựng chính sách phù hợp với sự phát triển của thị trường. Mặt khác, Việt Nam là đất nước có lợi thế dân số trẻ nên việc đưa công nghệ tài chính thâm nhập thị trường cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, dòng vốn “đổ” vào lĩnh vực công nghệ tài chính Việt Nam trong thời gian gần đây khá mạnh mẽ với nhiều công bố về việc hoàn tất các vòng gọi vốn của các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực ví điện tử. “Luồng tiền đầu tư vào lĩnh vực ví điện tử là khá khả quan, quan trọng là sản phẩm dịch vụ có ý tưởng tốt và đủ độ tin cậy”, ông Hà nói. 

Tham vọng của các “ông lớn” viễn thông

Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử đang phải đối mặt với một đối thủ rất mạnh là các hãng viễn thông lớn khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ. Trước đó, các doanh nghiệp viễn thông chỉ được cung cấp dịch vụ thanh toán nội dung số từ thẻ cào viễn thông.

Bình luận về sự cạnh tranh giữa các ví điện tử và các “ông lớn” trong lĩnh vực viễn thông, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ nội dung số và các khoản hàng hóa nhỏ lẻ cho thấy động thái tích cực để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mở rộng sân chơi và hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho phép các nhà mạng lớn tại Việt Nam (VNPT, Viettel, Mobifone) chính thức bước chân vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ tài chính.

“Các “ông lớn” viễn thông như VNPT, Viettel, Mobifone có nhiều thế mạnh về vốn, quy mô mạng lưới, nhận diện thương hiệu, người tiêu dùng đông đảo, hạ tầng công nghệ… Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ tài chính có thế mạnh về sự linh hoạt và sáng tạo trong nhận diện và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Họ cần cân nhắc các chiến lược của mình, hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác, hoặc cạnh tranh khốc liệt để phát triển”, bà Dương nói.

Chia sẻ quan điểm về điều này, Giám đốc công nghệ của 1PAY dự báo: “Với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, sắp tới, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự ra đi của các người chơi thua cuộc hoặc làn sóng mua bán và sáp nhập sẽ diễn ra trong lĩnh vực này”.

Chuyên đề