Tại sao Bình Phước muốn tái lập cầu Mã Đà?
Theo quy hoạch của tỉnh Bình Phước, tái lập cầu Mã Đà được xem là dự án chiến lược trong sự phát triển kinh tế của Tỉnh, bởi đây là cây cầu duy nhất nối liền 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, thông qua đường ĐT 753 thuộc Bình Phước và ĐT 761 thuộc Đồng Nai. Bình Phước có đường tiếp giáp với Đồng Nai kéo dài hơn 160 km, tuy nhiên, kết nối giữa 2 địa phương hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải thông qua hệ thống đường của tỉnh Bình Dương.
Việc triển khai xây dựng Quốc lộ 13C, đặc biệt với Dự án cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai sẽ giúp Bình Phước rút ngắn khoảng cách tới Quốc lộ 1, sân bay Long Thành và các cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, đây cũng là tuyến đường gần nhất để Bình Phước tiếp cận Quốc lộ 20, Quốc lộ 1A, khoảng cách đi lại từ Đồng Xoài đến ngã ba Dầu Giây theo tuyến này sẽ rút ngắn hơn 50km.
Thực tế, năm 2007, tỉnh Bình Phước đã chuẩn bị đầu tư cầu Mã Đà nằm trong dự án làm đường từ trung tâm thị xã Đồng Xoài tới sông Mã Đà bằng ngân sách, có tổng mức đầu tư 173 tỷ đồng (trong đó riêng hạng mục cầu là 10 tỷ đồng). Đến năm 2013, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai dự án. Tuy nhiên, sau khi Bình Phước đã hoàn thành toàn bộ đường (khoảng 29,5 km) và đề nghị tỉnh Đồng Nai phối hợp để triển khai xây cầu, song không được tỉnh này chấp thuận.
Rất nhiều cuộc họp sau đó đã diễn ra để hai địa phương có thể tìm được tiếng nói chung khi triển khai xây dựng cầu Mã Đà trong hơn 10 năm qua nhưng chưa có kết quả khả quan.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, để tăng cường kết nối giao thông khu vực tiếp nối Đồng Nai, trong hơn 10 năm qua, Bình Phước đã triển khai nhiều dự án hạ tầng có quy mô lớn. Mới đây nhất là Dự án Xây dựng đường kết nối ngang Quốc lộ 14 với tuyến ĐT 755 nối ĐT 753 có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có thể kể đến Dự án Xây dựng tuyến kết nối ĐT 753B với đường Đồng Phú - Bình Dương (đoạn Lam Sơn - Tân Phước) có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng…
Đồng Nai vẫn kiên định giữ rừng
Thực tế, Đồng Nai mới là địa phương chủ động đề xuất xây dựng cầu Mã Đà từ năm 2002. Tuy nhiên, khi dự án xây cầu chưa triển khai, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được thành lập năm 2011 khiến Đồng Nai hoàn toàn thay đổi quan điểm về việc xây dựng các công trình có phạm vi ảnh hưởng đến khu vực này.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai bao gồm ba vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An. Khu vực này có tổng diện tích là 969.781 ha, trong đó vùng lõi là 172.223 ha, vùng đệm là 346.844 ha và vùng chuyển tiếp 450.714 ha được coi là lá phổi xanh lớn nhất, quan trọng nhất khu vực phía Nam với quần thể động, thực vật đa dạng, quý hiếm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, nếu triển khai tuyến Quốc lộ 13C và cầu Mã Đà, ít nhất 44 ha diện tích rừng thuộc Khu dự trữ sinh quyển sẽ bị mất đi để phục vụ xây dựng, chưa kể hàng loạt tác động tiêu cực khác đến tính bền vững của hệ sinh thái này.
Trong khi đó, mới đây nhất, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có văn bản về việc xây dựng cầu Mã Đà cũng như tuyến đường kết nối Đồng Nai - Bình Phước. Theo đó, Tỉnh ủy Đồng Nai quan ngại những tác động tiêu cực nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển khi triển khai dự án này. Đồng thời, thống nhất chủ trương không hình thành tuyến giao thông đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển. Tỉnh ủy Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ chuyên ngành cùng UBND các tỉnh trong khu vực nghiên cứu, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng để chọn phương án tối ưu, khả thi nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, đã giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến Quốc lộ 13C đoạn qua Khu dự trữ sinh quyển.
Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (đơn vị nghiên cứu), hiện tại có 4 phương án triển khai Quốc lộ 13C và cầu Mã Đà để kết nối từ Bình Phước đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trong đó phải kể đến phương án tuyến đi từ TP. Đồng Xoài, theo ĐT 753 (khoảng 30 km, đã được đầu tư xây dựng), mở tuyến mới về phía phải đến ranh với tỉnh Bình Dương (dài khoảng 10 km), sau đó tiếp tục mở mới đến ĐH 416 (dài khoảng 12 km), đi theo ĐH 416 khoảng 6 km sau đó đi tuyến mới (dài khoảng 13 km) kết nối vào đường Vành đai 4 được xem là ít ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển nhất. Với kinh phí 1.528 tỷ đồng, đây là phương án có kinh phí thấp nhất, không có hạng mục cầu, được Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đánh giá phù hợp nhất.