Tự vệ tạm thời mặt hàng thép: Doanh nghiệp khó trục lợi

(BĐT) - Bộ Công Thương nhấn mạnh quan điểm trên về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Liên quan đến ý kiến khi áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời sẽ xảy ra việc các DN thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức, Bộ Công Thương khẳng định: “Khó xảy ra vấn đề này”.

Lý giải cho quan điểm trên, Bộ Công Thương cho biết, hiện không có DN nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường thép Việt Nam (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 DN lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần. Chỉ số HHI của thị trường phôi thép là 1.390, xếp vào loại thị trường tập trung ở mức độ vừa phải. Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 DN lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần.

Trước thực tế mấy ngày vừa qua giá thép trên thị trường có biến động tăng, một số ý kiến cho cho rằng, đây là khoảng thời gian các DN tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ hàng trước khi các biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực vào ngày 22/3/2016. Bộ Công Thương cho rằng, hiện tượng DN thép găm hàng chờ tăng giá gần đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các DN tiêu thụ thép trên thị trường. Song, với lượng tồn kho lớn của các DN sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép của Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt.

Theo Bộ Công Thương, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Đặc biệt, nhập khẩu phôi thép tháng 1/2016 là 339,768 tấn, tăng 231,83% so với tháng 1/2015. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 là 269 USD/tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ năm 2015. “Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015. Dưới tác động của lượng thép nhập khẩu quá lớn đó, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như trong năm 2015, mà có thể sẽ phải đóng cửa ngay lập tức” – Bộ Công Thương cảnh báo.

Chuyên đề