Triển khai dự án đường bộ cao tốc tại ĐBSCL: Nhiều khó khăn nhà thầu phải đối mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu đắp nền, công tác thi công các tuyến cao tốc tại khu vực này phát sinh nhiều yếu tố phức tạp về địa chất có thể khiến nhà thầu gặp rủi ro trong quá trình thi công.
Nhiều dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Nhiều dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Trong các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang triển khai đồng loạt tất cả các gói thầu xây lắp lớn.

Dự án có tổng chiều dài 110,87 km tuyến chính và 25,9 km tuyến nối, tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng, được chia thành 2 dự án thành phần (DATP) do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm Cơ quan chủ quản. Dự án đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT về tình hình thi công Dự án, 4 gói thầu xây lắp của Dự án đã được khởi công từ ngày 1/1/2023. Ngay sau khi khởi công, trên cơ sở mặt bằng được các địa phương bàn giao (72%), Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công với mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng. Hiện các nhà thầu đã tổ chức 128 mũi thi công (57 mũi thi công cầu, 71 mũi thi công đường), tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền, giá trị sản lượng đến nay chỉ đạt 5% giá trị hợp đồng, trong khi kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10% giá trị hợp đồng.

Để bảo đảm kế hoạch thi công cũng như giải ngân nguồn vốn đã bố trí, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu, các công trình không phụ thuộc nguồn vật liệu cát đắp nền. Đến nay, các nhà thầu đã chủ động mua 0,5 triệu m3 cát từ nguồn cát thương mại, cùng với 0,371 triệu m3 cát được tỉnh Đồng Tháp cung cấp để triển khai thi công hệ thống đường công vụ, tập trung đào bóc hữu cơ. Theo kế hoạch, phải hoàn thành công tác đắp nền chậm nhất vào tháng 6/2024 để dỡ tải vào tháng 4/2025, hoàn thành móng, mặt đường vào tháng 10/2025, hoàn thành toàn bộ các cầu trong năm 2024.

Trong khi đó, tại Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đến nay đã khởi công 4/14 gói thầu xây lắp của 4 DATP vào ngày 17/6/2023. Đối với 10 gói thầu xây lắp còn lại, dự kiến hoàn thành các thủ tục để khởi công gói thầu cuối cùng vào tháng 9/2023. Hiện nay, chủ đầu tư các dự án đang chỉ đạo nhà thầu các gói thầu đã khởi công triển khai tiếp nhận mặt bằng thi công, tập kết máy móc thiết bị, xây dựng lán trại, lập thiết kế bản vẽ thi công. Các nhà thầu đang thi công đào bóc hữu cơ và làm đường công vụ. Dự án có tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 189,48 km, được chia làm 4 DATP đi qua 4 tỉnh, thành phố: DATP 1 (An Giang) dài 57 km, DATP 2 (Cần Thơ) dài 37,4 km, DATP 3 (Hậu Giang) dài 36,68 km, DATP 4 (Sóc Trăng) dài 58,4 km. Kế hoạch đặt ra là cơ bản hoàn thành Dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Các dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi qua khu vực địa chất yếu nên việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian. Ảnh: Lê Tiên

Các dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi qua khu vực địa chất yếu nên việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian. Ảnh: Lê Tiên

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tổng chiều dài khoảng 27,43 km) có tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng, được chia thành 2 DATP, đi qua 2 tỉnh: DATP 1 (Đồng Tháp) dài 16 km; DATP 2 (Tiền Giang) dài 11,43 km. Đến nay, DATP 1 (Đồng Tháp) đã bàn giao 93,25/101,14 ha mặt bằng, đạt 92,2%. Gói thầu xây lắp thuộc DATP 1 đã khởi công ngày 25/6/2023. Nhà thầu đã tiếp nhận mặt bằng thi công, tập kết máy móc thiết bị, nhân sự, triển khai dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị cho công tác đào vét hữu cơ, đường công vụ. Tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 2,25 triệu m3 (năm 2023 cần 0,56 triệu m3, năm 2024 là 1,69 triệu m3). Tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho Dự án.

Đối với DATP 2 (Tiền Giang), tổng mức đầu tư tăng thêm 1.572 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lên 3.818 tỷ đồng. Nguyên nhân là chi phí giải phóng mặt bằng tăng 857 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị tăng 584 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng 113 tỷ đồng… Hiện các cơ quan đang xin ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án.

Các dự án còn lại gồm: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận 2, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vẫn bám sát tiến độ đề ra. Cụ thể, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 đến nay đã thi công xong nền đường. Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai thi công để hoàn thành trong năm 2023 theo đúng kế hoạch.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ (28,8 km) và Dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51,4 km) được đầu tư theo phương án giữ nguyên quy mô đường hiện hữu, chỉ xây dựng hệ thống đường gom, hoàn chỉnh các nút giao và thảm bê tông nhựa mặt đường để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án sẽ được khởi công vào quý IV/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2024.

Theo Bộ GTVT, toàn bộ các dự án khu vực ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian. Vì vậy, tiến độ các dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp nền. Đến nay, phần mặt bằng đã được bàn giao cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thi công. Tuy nhiên, phần mặt bằng còn lại là các khu vực đất ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật thường là khâu khó khăn và mất nhiều thời gian, nếu không quyết liệt và bàn giao sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án.

Đơn cử, tại DATP 2 (Tiền Giang) thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều dày tầng đất yếu lớn khiến chi phí xây dựng tăng cao. Theo UBND tỉnh Tiền Giang, chiều sâu đất yếu tăng lên trung bình 30 m, một số đoạn đến 40 m và phạm vi cần xử lý đất yếu dài 9,8 km.

Tương tự, Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (tổng chiều dài khoảng 26,56 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp; sơ bộ tổng mức đầu tư 4.770,75 tỷ đồng) đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn khiến chi phí xây dựng dự kiến tăng thêm 788 tỷ đồng. Cộng với chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, tư vấn…, tổng mức đầu tư Dự án tăng thêm 1.439 tỷ đồng. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư