Tranh cãi giữa Grab và tài xế: Chưa thông cách tính thuế mới

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Grab đã giành phần hơn trong việc phân chia lại mức chiết khấu với tài xế nhằm thực hiện quy định tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra mới được áp dụng. Trong khi đó, hiện chưa tính được thuế GTGT đầu vào để khấu trừ. Cả hai điều này đang gây thiệt thòi cho tài xế Grab và người tiêu dùng phải trả cước phí cao hơn cho dịch vụ này.

Nhiều tài xế tắt ứng dụng và kiến nghị Grab điều chỉnh mức chiết khấu. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều tài xế tắt ứng dụng và kiến nghị Grab điều chỉnh mức chiết khấu. Ảnh: Lê Tiên

Trước thời điểm 5/12/2020, theo các quy định và hướng dẫn của cơ quan thuế, Grab có trách nhiệm thu hộ và nộp hộ nghĩa vụ thuế của đối tác tài xế, bao gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân áp dụng với đối tác có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm, và tính trên phần doanh thu đối tác nhận được sau khi trừ chi phí sử dụng ứng dụng.

Cách thu thuế này đã thay đổi kể từ ngày 5/12/2020 khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định 126) có hiệu lực thi hành và áp dụng chung cho tất cả các nền tảng kết nối, trong đó có Grab. Theo đó, thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế GTGT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế GTGT trên phần chiết khấu như trước, các nền tảng gọi xe công nghệ sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ 10% thuế GTGT tính trên tổng doanh thu phát sinh.

Ngay sau khi quy định này có hiệu lực, ngày 7/12, các tài xế Grab cho biết đã nhận được thông báo từ ứng dụng này về việc thay đổi mức phân chia doanh thu giữa tài xế và Grab.

Theo đó, tỷ lệ phân chia doanh thu phổ biến 20%/80% giữa ứng dụng Grabbike/tài xế trước đây thay đổi thành mức phổ biến 27,2%/72,8%. Tức là, cứ 100 nghìn đồng cước phí, tài xế nhận được 72,8 nghìn đồng thay vì 80 nghìn đồng như trước đây. Tỷ lệ này cũng thay đổi tương tự với ứng dụng GrabCar và các ứng dụng khác của Grab. Đồng thời, cước phí vận chuyển các dịch vụ của ứng dụng này cũng tăng khoảng 300 đồng - 1.000 đồng/km. Đây là lý do dẫn đến việc nhiều tài xế tắt ứng dụng và kiến nghị Grab điều chỉnh mức chiết khấu. Trước sự việc này, Grab cho biết, việc điều chỉnh này nhằm thực hiện quy định tại Nghị định 126.

Ngày 9/12, Tổng cục Thuế nêu quan điểm: các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grab, Goviet, Bee… phải tiến hành khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân (1,5% nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm) cho tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này. Cách tính thuế mới nhằm thu thuế GTGT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh. Lái xe chỉ có trách nhiệm nộp phần thuế thu nhập cá nhân.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín phân tích, giữa Grab và tài xế Grab có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các thỏa thuận về phân chia doanh thu, sản phẩm. Theo quy định hiện hành về hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia doanh thu, một trong các bên phải cử ra đại diện để xuất hóa đơn cho khách hàng và kê khai nộp thuế.

Nghị định 126 làm rõ hơn quy định này, giúp khách hàng sử dụng dịch vụ có thể nhận hóa đơn khi cần, đồng thời bảo đảm nguyên tắc bán hàng hóa, dịch vụ phải xuất hóa đơn theo quy định.

Về cách tính, theo tỷ lệ phân chia doanh thu ban đầu là 20%/80%, với cách tính thuế GTGT mới, từ 3% lên 10% cho phần doanh thu 80% tài xế nhận được thì mức chiết khấu cho ứng dụng tăng tương ứng là 5,6%. Vì thế, nếu có thay đổi thì tỷ lệ mới tương ứng là 25,6%/74,4% là phù hợp. Trong khi đó, mức chiết khấu của Grab lên hơn 27% là chưa phù hợp với mô hình hiện tại, dù đây là quyền thỏa thuận của các bên (Grab và tài xế) trong giao dịch dân sự. Thêm vào đó, giá cước Grab được đẩy tăng lên càng cho thấy chính sách phân chia cước này cần xem xét lại.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, về cơ bản, thuế GTGT được áp dụng theo phương pháp khấu trừ. Trong trường hợp này, đáng lẽ dịch vụ phải được khấu trừ thuế GTGT đầu vào như xăng xe, cước phí cầu đường, bảo hiểm trước khi phải nộp thuế đầu ra. Do đó, nếu không thể xác định được đầu vào mà vẫn khấu trừ thuế sẽ dẫn tới tình trạng đánh thuế GTGT như đánh thuế doanh thu và tài xế là người chịu thiệt về thu nhập, người tiêu dùng cũng chịu thiệt vì giá dịch vụ tăng. Chính vì thế, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn đối với nghị định này. “Nếu không thể xác định các khoản chi phí này bằng sổ sách, chứng từ thì có thể khoán ở một mức xác định như cách giảm trừ gia cảnh đang áp dụng với thuế thu nhập cá nhân”, ông Đức đề xuất.

Chuyên đề