Tìm giải pháp bứt phá tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả tăng trưởng 6 tháng cuối năm không chỉ là cơ sở để khẳng định vững chắc hơn sự phục hồi trở lại của nền kinh tế, mà còn là căn cứ xây dựng, tham mưu các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch năm 2025 và 5 năm tới. Nhiều ý kiến cho rằng, có cơ sở, cơ hội để phấn đấu đạt kịch bản tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2024, nhưng thách thức là rất lớn, đòi hỏi vừa có giải pháp bứt phá tăng trưởng ngay trong ngắn hạn, vừa duy trì đà tăng trong trung, dài hạn.
Nền kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, ấn tượng, cao hơn các kịch bản đề ra và dự báo của tổ chức quốc tế
Nền kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, ấn tượng, cao hơn các kịch bản đề ra và dự báo của tổ chức quốc tế

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ngày 15/7/2024, vấn đề được nhắc đến rất nhiều lần là làm sao giải bài toán tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược 10 năm 2021- 2030.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm 2024, dù bối cảnh tình hình thế giới trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, ấn tượng, cao hơn các kịch bản đề ra và dự báo của tổ chức quốc tế, đồng đều ở tất cả các lĩnh vực, địa phương. Đặc biệt là, chúng ta đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn. Điều này cho chúng ta kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiến nhanh hơn trong giai đoạn nước rút của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo đà cho 5 năm tới 2026-2030.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 6 tháng cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, yêu cầu các ngành, lĩnh vực, các địa phương phải phục hồi nhanh hơn, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn, khai thác tốt hơn các nguồn lực, động lực tăng trưởng, thời cơ, thuận lợi, xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt khung khổ thể chế, chính sách mới và phát huy mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn mới trong các quy hoạch đã phê duyệt. Đây cũng là yêu cầu khi xây dựng Kế hoạch năm 2025, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: năm sau phải đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm trước.

Theo ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, để cả năm tăng trưởng 6,5-7%, 6 tháng cuối năm phải đạt từ 7-7,5%, thách thức lớn, cần có kế hoạch cụ thể, quyết liệt, hành động rõ ràng có tăng trưởng cả năm.

Chuyên gia Cao Viết Sinh lưu ý cùng với phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn, phải chú ý áp lực tăng giá, đảm bảo được mục tiêu lạm phát. Một trong những giải pháp quan trọng để tăng trưởng cao hơn là cần tăng cầu trong nước vì sức mua hiện còn yếu. Đà phục hồi của doanh nghiệp trong nước cũng còn chậm so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Ông Cao Viết Sinh cho rằng, năm 2025 phải làm sao tạo ra đổi mới mạnh mẽ hơn. Qua đi khảo sát vùng Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc, các địa phương cho thấy 3 điểm nghẽn lớn ở thủ tục trình tự về tài nguyên môi trường; trình tự thủ tục về xây dựng; trình tự thủ tục về đầu tư. Tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Kinh nghiệm của địa phương là tăng cường phân cấp mạnh hơn cho cấp dưới, phân cấp cho quận, huyện trong quá trình đầu tư, để thúc đẩy giải ngân, hoàn thành kế hoạch.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thì lưu ý tăng trưởng của nhóm những địa phương trước đây ở top đầu, đóng góp khoảng 50% GDP thì nay lùi về nhóm 2, nhóm 3, xuống khoảng 20% GDP, cần làm rõ đây thay đổi mang tính cơ cấu hay bất thường? Trước mắt có thể hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng của những địa phương đóng góp lớn cho GDP nhưng đang bị chậm lại, giải ngân đầu tư công đang thấp. Ví dụ như TP.HCM nếu thúc đẩy tăng thêm 1%, nền kinh tế cả nước tăng thêm 0,2%.

Ông Cung khá lo ngại về động lực tăng trưởng liên quan quan đầu tư. Đầu tư FDI về con số thì tương tự như trước, nhưng nhìn về tương lai có thể có khác, nhiều nhà đầu tư quy mô lớn ở ngành nghề chúng ta cần, dẫn dắt tăng trưởng đến Việt Nam tìm hiểu nhưng chưa đầu tư và còn ngần ngại rất nhiều. Đầu tư tư nhân trong nước thì chưa có dấu hiệu phục hồi và nếu còn thấp sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần nhanh chóng nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần nhanh chóng nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Nguyên Viện trưởng Ciem cũng lo lắng về môi trường kinh doanh, cho rằng chưa bao giờ thấy những kiến nghị dồn dập gia tăng so với những vấn đề giải quyết được như hiện nay. “Tôi nghe trực tiếp từ 1 công ty rất uy tín chuyên xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp, vốn thuận lợi vì nhiều yếu tố như đất đai sẵn không cần giải phóng, trước đây xây dựng trong KCN thủ tục hành chính mất 23 tuần, tại thời điểm này nhân 3 hoặc 4 lần”, ông Cung chia sẻ. Nguyên nhân theo phản ánh là do một số văn bản hướng dẫn Luật ở cấp nghị định, thông tư tạo ra những thủ tục không hợp lý, không cần thiết, gây mất nhiều thời gian; địa phương hỏi ý kiến vòng vo, nhiều cấp nhiều người. Ông Cung kiến nghị có thể chọn rà soát từng thủ tục cụ thể, ví dụ như đầu tư trong khu công nghiệp, để xem ách tắc ở đâu, thủ tục nào cần gỡ bỏ …

Nhấn mạnh cần nêu cao hơn nữa quyết tâm cải cách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo nhà nước do TTCP làm trưởng Ban, để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, nhất là trong đầu tư phát triển để cải cách mạnh mẽ, sâu rộng bắt đầu từ thể chế.

Theo Bộ trưởng, quyết tâm cải cách, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, tư duy phát triển mới thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới là yếu tố căn bản, gốc rễ để củng cố và khơi thông nội lực, tranh thủ ngoại lực, giúp chúng ta có thể đi nhanh hơn và bền vững hơn, đạt được các mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2030. Cần xác định lấy cải cách thể chế làm khâu đột phá, động lực cho phát triển; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới ban hành; chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh phải đồng hành cùng doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết, xử lý các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu nước ta. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Theo Bộ trưởng, cần nhanh chóng nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, tạo vị thế dẫn đầu cho nước ta trong các xu thế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung các giải pháp khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy tối đa các động lực tăng trưởng hiện hữu và phát huy động lực, mô hình tăng trưởng mới.

Và rất cần thiết trong bối cảnh này, như yêu cầu của Bộ trưởng với cán bộ ngành KH&ĐT, đó là càng trong khó khăn lại càng cần hơn nữa sự bản lĩnh, trí tuệ, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...

Chuyên đề