Tìm cách trợ lực cho doanh nghiệp gia nhập thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN) tiếp đà khởi sắc, đạt kỷ lục mới là điểm sáng nổi bật trong bức tranh DN 11 tháng năm 2022. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn, thách thức kéo dài đang làm DN “đuối sức”, mong được “trợ lực” để đứng vững và vươn lên.
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại trong 2 tháng qua. Ảnh: Tiên Giang
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại trong 2 tháng qua. Ảnh: Tiên Giang

11 tháng, trên 194.000 doanh nghiệp gia nhập thương trường

Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng qua đạt 194.699 DN, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân 11 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021 (153.664 DN).

Cụ thể, trong 11 tháng, cả nước có 137.764 DN gia nhập thị trường, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021 (118.777 DN). Số vốn đăng ký thành lập của DN trong 11 tháng đạt 1.483.691 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2022 là gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 46.528 lượt DN đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng cả về số lượt DN và số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Số DN quay trở lại hoạt động cũng gia tăng trở lại trong tháng 11/2022, sau 2 tháng liên tiếp sụt giảm. Tháng 11/2022 ghi nhận 6.267 DN quay trở lại hoạt động, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng, cả nước có gần 60.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,6 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021.

Số DN quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, tích cực nhất là một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19 như giáo dục và đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Doanh nghiệp cần “trợ lực”…

Nhận định về tình hình thị trường hiện nay cũng như thời gian tới, hầu hết chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế; xung đột Nga - Ukraine khiến sức mua của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh…

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2022 là gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 46.528 lượt DN đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng cả về số lượt DN và số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chỉ ra, những yếu tố bất định gia tăng tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, DN, bộc lộ qua một loạt con số. Đó là, cả nước có 132.339 DN rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2022, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2021.

Phản ánh của nhiều hiệp hội ngành hàng gần đây cho thấy, đơn hàng cho năm 2023 sụt giảm nghiêm trọng, nhất là ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, quy mô vốn đăng ký của DN thành lập mới có xu hướng giảm, nhất là những tháng cuối năm.

“Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2020 và năm 2019 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 28,8% và 13,3%”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phân tích.

Đáng chú ý, số vốn đăng ký của DN thành lập mới có xu hướng chững lại trong 2 tháng qua. Tính riêng trong tháng 11/2022, số vốn đăng ký của DN thành lập mới đạt 104.490 tỷ đồng, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 2,3% so với tháng 10/2022. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn tháng 11 của các năm từ 2017 đến nay.

Trong các khó khăn, khó khăn về dòng tiền đang ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phát cho biết, DN đang suy kiệt dòng vốn khi dồn lực đầu tư vào một dự án lớn (hơn 100 tỷ đồng) nhưng chưa được thanh toán dù dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2 năm. Lý do là các cơ quan quản lý không có hướng dẫn rõ ràng trong việc thanh toán cho DN. DN đã “cầu cứu” nhiều cấp nhưng đến nay phương án tháo gỡ vẫn bế tắc...

Cũng gặp khó khăn về dòng tiền, ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng, có thời điểm hàng trăm công nhân phải tạm thời nghỉ việc vì không có vật tư để sản xuất...

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý cần rốt ráo hơn nữa trong việc vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, bởi đây chính là “trợ lực” hiệu quả nhất giúp DN có thêm “sức đề kháng” để vượt khó.

Chuyên đề