Tổng sản lượng tiêu thụ ô tô trong nửa đầu năm 2018 giảm 6,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên |
Trong đó, xe du lịch đạt 83.803 xe, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm ngoái; xe thương mại đạt 37.381 xe, giảm 21.18% và xe chuyên dụng chỉ đạt 4.475 chiếc, giảm gần 40%.
Trái chiều cung cầu tại các phân khúc
Tại phân khúc xe con, người tiêu dùng tưởng chừng được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong ASEAN vào Việt Nam giảm về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, song diễn biến trong 6 tháng đầu năm lại hoàn toàn trái ngược.
Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng ô tô được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, cùng với đó là Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về quy định kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu đã tạo nên rào cản vô hình siết chặt hoạt động nhập khẩu từ đầu năm 2018.
Một trong những rào cản lớn nhất được đưa ra là các mẫu xe nhập khẩu về Việt Nam phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cung cấp và phù hợp với quy định của Bộ Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, mỗi lô xe nhập khẩu về Việt Nam cần phải lấy mẫu kiểm tra tiêu chuẩn khí thải, an toàn kỹ thuật.
Chính những rào cản này đã khiến cho nguồn cung ô tô sụt giảm mạnh, trong khi xe lắp ráp trong nước không đủ để lấp đầy khoảng trống tại một số phân khúc đã dẫn đến tình trạng khan hàng, đội giá bán trên thị trường.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh xe tải từ đầu năm 2018 tiếp tục ngập trong khó khăn. Sức tiêu thụ xe tải chậm khiến cho nhiều doanh nghiệp phải giảm sản xuất. Chi phí bảo quản, lưu kho bãi đối với xe tồn cộng với giá linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào tăng lên khiến cho doanh nghiệp kinh doanh xe tải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn.
Không chỉ sức cầu yếu, phân khúc xe tải còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi các quy định về điều kiện kỹ thuật đối với nhà máy lắp ráp, đại lý bán hàng tại Nghị định 116 buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn tiếp tục kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô quy mô nhỏ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bởi không thể đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 116 và nếu có làm được thì chi phí đồng loạt tăng lên.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xe tải toàn một màu tối
Cụ thể, lũy kế 6 tháng năm 2018, doanh thu thuần của TMT chỉ đạt 687,86 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2017. Không chỉ vậy, sự gia tăng đột biến của chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến cho TMT ghi nhận mức lỗ ròng lên tới 10,18 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018.
Đối với Trường Long, 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp này đạt 363,56 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành 39,6% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bán xe đạt 329,75 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017 và đóng góp khoảng 90,65% tổng doanh thu 6 tháng 2018. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp “quá mỏng”, chỉ khoảng 5 - 6%, đã không đủ bù đắp các khoản chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay. Do đó, Công ty ghi nhận kết quả lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý II là 1,78 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi 844,94 triệu đồng năm 2017. Tuy nhiên, việc ghi nhận 3,1 tỷ đồng tiền thưởng và tiền hỗ trợ vào thu nhập khác trong quý II/2018 thay vì quý I như năm 2017 đã giúp cho Trường Long thoát lỗ. Kết quả là Công ty ghi nhận mức lãi ròng 1,31 tỷ đồng trong 6 tháng 2018, tương đương 5% kế hoạch năm 2018 và chỉ bằng ¼ cùng kỳ 2017.
Với kết quả kinh doanh kém khả quan như thế này, nhiều khả năng các doanh nghiệp ngành ô tô không thể hoàn thành được kế hoạch kinh doanh cho cả năm 2018.