Thấy gì từ việc mua sắm công tơ điện tử tại EVNNPC?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới đây, sự việc một hộ dân ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nhận hóa đơn tiền điện gần 90 triệu đồng/tháng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Làm rõ vấn đề này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, sai sót trên là do cá nhân, chứ không liên quan đến công tơ đo đếm và quản lý kỹ thuật. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hoạt động mua sắm công tơ điện tử cũng cần được lưu ý để đảm bảo chất lượng và hiệu quả mua sắm.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu liên quan đến mua sắm công tơ điện tử thuộc Dự án Mua sắm công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, thiết bị truyền dữ liệu theo hệ thống để đọc xa tự động đợt 2, phục vụ lắp mới và thay lẻ năm 2020. Cả hai gói thầu đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi; có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), trong đó Công ty CP Thiết bị Gelex bị loại ở cả 2 gói.

Cụ thể, Liên danh Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phát triển hạ tầng viễn thông (IFC) - Công ty TNHH Cung ứng vật tư khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ (TSI) trúng Gói 3 Mua sắm 894 DCU, 166.506 công tơ điện tử 1 pha 1 giá, 1.247 công tơ 1 pha 3 giá, 12.122 công tơ 3 pha 1 giá và 852 công tơ 3 pha 3 giá đo trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh điện năm 2020 cho 12 công ty điện lực. Giá trúng thầu là 119,706 tỷ đồng, giảm 1,186 tỷ đồng so với giá gói thầu (120,892 tỷ đồng), đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,98%.

Còn tại Gói 4 Mua sắm 908 DCU, 169.770 công tơ điện tử 1 pha 1 giá, 906 công tơ 1 pha 3 giá, 10.599 công tơ 3 pha 1 giá và 1.121 công tơ 3 pha 3 giá đo trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh điện năm 2020 cho 12 công ty điện lực, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng trúng thầu với giá 118,048 tỷ đồng, giảm 1,4 tỷ đồng so với giá gói thầu (119,481 tỷ đồng), tỷ lệ tiết kiệm đạt 1,19%.

Trước đó (ngày 23/6), EVNNPC cho biết vừa hoàn thành mở thầu hồ sơ đề xuất tài chính Gói 1 Mua sắm công tơ điện tử đợt 2 phục vụ lắp mới và thay lẻ năm 2020 thuộc dự án trên. Có 2 nhà thầu tham dự Gói thầu là IFC chào giá 89,699 tỷ đồng và Công ty CP Thiết bị Gelex chào giá 89,58 tỷ đồng. Xét về giá, nhiều khả năng Công ty CP Thiết bị Gelex sẽ trúng Gói 1.

Khảo sát sơ bộ về công tác mua sắm công tơ điện tử cho thấy, từ năm 2017 đến nay, các nhà thầu IFC, TSI, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng, Công ty CP Thiết bị Gelex đều là những “gương mặt” tham dự và trúng nhiều gói thầu tại EVNNPC.

Điển hình, từ tháng 6/2017 đến nay, trong vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, TSI đã trúng 9 gói thầu cung cấp công tơ điện tử do EVNNPC mời thầu. Năm 2019, TSI cũng liên danh với IFC trúng Gói thầu Mua sắm 728 DCU, 155.791 công tơ điện tử 1 pha 1 giá, 7.079 công tơ 3 pha 1 giá và 970 công tơ 3 pha 3 giá đo trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2020 cho 12 công ty điện lực với giá trúng thầu là 99,739 tỷ đồng. Hai nhà thầu bị loại tại gói này là Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng và Công ty CP Thiết bị Gelex. Gói thầu thuộc Dự toán mua sắm công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, thiết bị đo xa tự động DCU lắp đặt đồng bộ cho các trạm biến áp công cộng phục vụ sản xuất kinh doanh điện năm 2020.

Cũng tại Dự án này, Gói thầu Mua sắm 672 DCU, 144.209 công tơ điện tử 1 pha 1 giá, 8.921 công tơ 3 pha 1 giá và 930 công tơ 3 pha 3 giá đo trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2020 cho 12 công ty điện lực có 2 nhà thầu tham dự. Trong đó, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng trúng thầu với giá 98,299 tỷ đồng, còn Công ty CP Thiết bị Gelex trượt thầu…

Nhìn vào các gói thầu công tơ điện tử của EVNNPC, một số chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, các gói thầu chưa thực sự cạnh tranh do không có nhiều nhà thầu tham dự. “Nhiều gói thầu dù lựa chọn nhà thầu qua mạng, nhưng vẫn chỉ có một vài nhà thầu thay nhau trúng thầu”, chuyên gia đấu thầu nhận xét.

Chia sẻ thêm về việc sản xuất công tơ điện tử, cán bộ của một cơ quan chuyên mua sắm thiết bị này thừa nhận, gần như các nhà sản xuất trong nước vẫn phải nhập các thiết bị công nghệ về hoàn thiện sản phẩm. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực của các nhà sản xuất trong nước trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025, các tổng công ty điện lực Hà Nội, TP.HCM, miền Trung sẽ lắp đặt 100% công tơ điện tử. EVNNPC và Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ phấn đấu lắp đặt 100% công tơ điện tử tại các thành phố, thị trấn, thị xã, còn các địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ cố gắng phủ ít nhất 50%.

Việc đầu tư công tơ điện tử thay thế công tơ cơ nhằm cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng, cung cấp đầy đủ công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng; phát hiện nhanh các trường hợp gian lận điện năng và bất thường của hệ thống đo đếm; đo đếm từ xa kịp thời phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện; giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện…

Chuyên đề