Thấy gì từ việc các ngân hàng bán chéo trái phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khối lượng trái phiếu các ngân hàng mua của nhau chiếm đến hơn một phần tư tổng khối lượng phát hành trong nửa đầu năm nay. Điều này được lý giải là cách gia cố nguồn lực tài chính cho bên phát hành và giải quyết phần vốn có thể cho vay mà ngân hàng chưa muốn đổ vào những kênh rủi ro hơn.
Điểm không tích cực của việc ngân hàng mua bán chéo trái phiếu của nhau là dòng vốn chạy lòng vòng trong hệ thống mà không chảy vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Song Lê
Điểm không tích cực của việc ngân hàng mua bán chéo trái phiếu của nhau là dòng vốn chạy lòng vòng trong hệ thống mà không chảy vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Song Lê

Kết quả thống kê của SSI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, 15 ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân 4,3%/năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng gồm các ngân hàng (17,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 26%); công ty chứng khoán (38,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56%); tổ chức trong nước (10,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15%) và cá nhân (2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3%).

Các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài (7 - 15 năm), hầu hết có lãi suất thả nổi, năm đầu dao động từ 6,2% đến 7,9%/năm. Các trái phiếu này thường kèm theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành sau 2 - 5 năm (hoặc 10 năm với trái phiếu 15 năm).

Có 56,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 83% tổng khối lượng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm 2021 là kỳ hạn 2 - 3 năm có lãi suất cố định từ 3,0 - 4,2%/năm, trả lãi hàng năm. Mức lãi suất này thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6 - 6%/năm). Gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Trước đây, theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng (TCTD) không được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của TCTD khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp sau đó bán lại cho các TCTD khác. Tuy vậy, quy định này đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021/TT-NHNN nên các NHTM đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên thị trường sơ cấp từ ngày Thông tư có hiệu lực là 17/5/2021.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu có thể nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nhằm bù đắp phần vốn thiếu hụt từ các khoản thu hồi nợ đến hạn đáng lý phải trở lại ngân hàng nhưng vì dịch Covid-19 mà phải thực hiện giãn, hoãn trả nợ cho khách hàng.

Về việc các ngân hàng mua bán chéo trái phiếu lẫn nhau, theo ông Hiếu, đây là nghiệp vụ bình thường của thị trường này, song tỷ trọng mua bán chéo khá lớn cho thấy cả mặt tích cực và chưa tích cực.

Điểm tích cực là các ngân hàng nhìn nhận đây là khoản đầu tư có tính thanh khoản tốt, đặc biệt trong trường hợp nhiều ngân hàng đang có nguồn vốn khả dụng lớn nhưng hạn chế cho các doanh nghiệp vay do e ngại rủi ro vì dịch bệnh. Tuy nhiên, điểm chưa tích cực là dòng tiền, dòng tín dụng sẽ lòng vòng trong hệ thống mà không chảy vào sản xuất, kinh doanh.

“Trong những tháng còn lại của năm, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì có thể xu hướng ngân hàng phát hành trái phiếu và mua bán chéo trái phiếu giữa các ngân hàng sẽ còn gia tăng”, ông Hiếu nói.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc ngân hàng tăng phát hành trái phiếu phù hợp với xu hướng phát triển trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây. “Ở thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ ngại giải ngân cho sản xuất, kinh doanh và một số kênh khác bởi lo ngại rủi ro cao. Để giải quyết bài toán kinh doanh trước mắt, họ sẽ đẩy vốn vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, trái phiếu ngân hàng là lựa chọn khá tốt dù tỷ suất sinh lời không cao. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng mua trái phiếu theo kỳ hạn trung và dài hạn. Đây là bài toán phải được cân nhắc thận trọng từ cả mặt lợi nhuận và rủi ro”, ông Linh nói.

Chuyên đề