Chế biến cao su xuất khẩu. Ảnh: LONG THANH |
Kỳ vọng giá còn tăng
Bước vào năm 2017, giá cao su RSS3 biến động tăng mạnh, lên mức 314,9JPY/tấn vào cuối tháng 1, trước các thông tin lũ lụt của Thái Lan. Tuy nhiên, từ ngày 14-2 tới nay, giá cao su đã giảm mạnh khoảng 20% và đang giao dịch ở mức 254JPY/tấn, cũng do thông tin Thái Lan tuyên bố sẽ sử dụng quỹ dự trữ quốc gia để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu của nước này, cùng việc các nhà sản xuất lốp cao su ở Ấn Độ cắt giảm sản xuất bởi giá cao su tăng mạnh.
Tham khảo diễn biến giai đoạn 2010-2015 dư cung cao su, giá cao su thường có có xu hướng tăng tốt trong quý I với mức tăng khoảng 20% so với giá đầu năm, sau đó giảm dần khi bắt đầu vào mùa vụ. Trong giai đoạn này, giá cao su thường kết thúc cuối năm ở mức giá 60-80% so với mức giá khởi điểm đầu năm.
Vì thế, năm nay giá cao su tăng 25% so với thời điểm đầu năm, cao hơn so với mức bình thường trong lịch sử, đã kéo theo kỳ vọng giá cao su có thể giữ được ở mức cao cho cả năm. Nếu sử dụng xu hướng giai đoạn 2011-2015 để dự báo giá cao su năm 2017 có thể đạt mức 200-220JPY/tấn vào thời điểm cuối năm.
Ngoài ra, giá cao su tăng mạnh vừa qua còn là kết quả của sức tăng trưởng mạnh trong sản lượng tiêu thụ ô tô Trung Quốc (tăng 13,7% trong 2016) dưới ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế. Cụ thể, thuế tiêu thụ ô tô Trung Quốc đã giảm từ 10% xuống 5%, có hiệu lực từ cuối năm 2015. Đây là nhóm ngành có tác động trực tiếp đến ngành săm lốp và nhu cầu tiêu thụ cao su.
Từ 1-1-2017, thuế tiêu thụ ô tô tăng lên mức 7,5% và sẽ về mức cũ 10% từ 2018. Theo nhận định của các chuyên gia, giá cao su sẽ không thể lặp lại xu hướng tăng về cuối năm như 2016. Tuy nhiên, NĐT nên quan tâm đến diễn biến giá cao su trong dài hạn (nửa cuối năm), thay vì trong vòng 1-2 tháng tới.
Nguyên nhân do giá cao su trong nước có độ trễ nhất định, hiện giá trong nước vẫn chưa giảm nhiều, chỉ ở mức khoảng 3-5% so với mức đỉnh của năm. Bên cạnh đó, khi giá cao su thế giới được phản ánh vào giá cao su trong nước, ngành cao su bước vào giai đoạn rụng lá và không có sản phẩm để bán ra. Như vậy biến động giá cao su trong ngắn hạn sẽ không tác động trực tiếp lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thông thường, ngành cao su sẽ bắt đầu cạo mủ lại từ tháng 4 và gia tăng sản lượng vào giữa quý III hàng năm. Hiện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang áp dụng mức giá kế hoạch năm 2017 là 35 triệu đồng/tấn cho các công ty con. Mức giá này tương ứng với 60% giá cao su hiện nay và BSC cho rằng mức giá bán đặt ra là thận trọng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang kỳ vọng mức giá trung bình năm 2017 vào khoảng 38-40 triệu đồng. Và theo xu hướng cao su thế giới của các năm trước, giá cao su vào thời điểm cuối năm có thể đạt 40-44 triệu đồng/tấn, tương ứng với mức giá cao su trung bình của năm dao động quanh mức 41-42 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá cao su trong nước hiện đang theo sát giá cao su thế giới, mang lại tăng trưởng tốt cho doanh nghiệp ngành cao su. Tuy vậy, theo CTCK BIDV (BSC), do đang trong mùa thấp điểm sản lượng, giá cao su cần được theo dõi thêm khi bắt đầu vào mùa cạo mủ (từ quý III) để nhận định triển vọng tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế, các doanh nghiệp cao su thuộc VRG đều khá thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2017, với giá bán trung bình 35 triệu đồng/tấn và giá thành kế hoạch 30 triệu đồng/tấn. Đơn cử, trường hợp CTCP Cao su Tây Ninh (TRC). Năm 2016, TRC ghi nhận 350,3 tỷ đồng doanh thu (giảm 3,5%) và 82,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 25,5%).
Trong đó, lợi nhuận tăng trưởng được đóng góp từ hoạt động cao su đạt 31,6 tỷ đồng (tăng 20,4%), đồng thời giảm mạnh 37,3% trong chi phí quản lý doanh nghiệp do không còn khoản đột biến trợ cấp nghỉ hưu như năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận năm 2017 được TRC đề ra chỉ 107,4 tỷ đồng (tăng 38,7%) với lợi nhuận thuần trên mỗi tấn cao su chỉ đạt 6 triệu đồng/tấn (35 triệu đồng giá bán và 29 triệu đồng giá thành).
Với giả định giá trung bình 40 triệu đồng/tấn, kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động cao su của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) năm 2017 ước đạt 120 tỷ đồng (tăng 150%); lợi nhuận sau thuế thuộc công ty mẹ ước đạt 201,5 tỷ đồng (tăng 26,7%), tương ứng với EPS 2017 ước đạt 3.523 đồng/CP và P/E là 13x.
Ngược lại, CTCP Cao su Phú Hòa (PHR), khi sản lượng khai thác sụt giảm 15%. Nguyên nhân do việc thanh lý làm giảm diện tích khai thác và lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng đất khu công nghiệp sụt giảm từ 106 tỷ đồng trong năm 2016 còn khoảng 20 tỷ đồng.