Phần lớn sự trỗi dậy của thị trường vàng của Trung Quốc đến từ sự phát triển và tăng trưởng của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE), được thành lập năm 2002 bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - ngân hàng Trung ương của quốc gia này. Trong gần 20 năm tồn tại, SGE đã trở thành sàn giao dịch vàng lớn nhất thế giới.
"Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã tạo ra SGE để trở thành nền tảng chính thức duy nhất cho giao dịch vàng trong nước", Samson Li, nhà phân tích kim loại cao cấp tại GFMS Refinitiv nói.
"Tất cả việc nhập khẩu vàng, khai thác vàng trong nước và giao dịch vàng đều thông qua nơi đây. Lợi thế đó giúp nền tảng SGE trở thành một thế lực trong giao dịch vàng toàn cầu", Li nói thêm.
"Để thúc đẩy sự thống trị của SGE hơn nữa, chính phủ Trung Quốc cũng đã thực hiện một số chính sách khác, bao gồm không có thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) khi mua vàng (trừ khi tạo ra lợi nhuận), so với thuế VAT 13% của bạc", Li nói.
Hội đồng Vàng thế giới (WGC), một nhóm các chuyên gia nổi bật trong ngành khai thác vàng, cho biết trong một báo cáo năm 2018 về sự phát triển của thị trường vàng của Trung Quốc, rằng lĩnh vực tài chính của quốc gia châu Á này đang được hưởng các chính sách tự do hơn. Và khi đồng Nhân dân tệ tăng sức kéo, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khao khát tiếp cận với thị trường này.
WGC cho biết trong báo cáo của mình: "Trung quốc đang trên đường trở thành một trong những quốc gia giàu nhất với dân số lớn nhất thế giới".
Nhà sản xuất hàng đầu thế giới
Các yếu tố cung và cầu là nguyên nhân đứng sau sự tăng trưởng của Trung Quốc để trở thành một trong những thị trường vàng hàng đầu thế giới. Theo Metal Focus, Trung Quốc khai thác 11,5% sản lượng vàng toàn cầu, trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, với 404,1 tấn sản xuất năm 2018.
Trung Quốc cũng là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc sử dụng kim loại vàng này trong chế tạo trang sức, chiếm 30,6% nhu cầu trên toàn thế giới. Năm 2018, tiêu thụ trang sức của Trung Quốc là 686,5 tấn, tăng 3% so với năm trước.
Nhu cầu đầu tư vào vàng tại Trung Quốc cũng rất mạnh, Metal Focus lưu ý. Các nhà đầu tư ở quốc gia châu Á này đã mua 308 tấn vàng vật chất, chiếm 28,6% lượng vàng vật chất trên toàn thế giới trong năm 2018. Việc mua vàng của ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng góp phần vào sự đầu tư vàng của Trung Quốc.
Theo WGC, tính đến tháng 9 năm 2019, trữ lượng vàng chính thức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng vọt, đạt tổng cộng là 1.936,5 tấn, khiến nước này trở thành quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ bảy.
Vì nơi đây tiêu thụ vàng nhiều đáng kể hơn so với sản xuất, Trung Quốc là nhà nhập khẩu vàng ròng và họ nhập khẩu kim loại lớn cả qua thị trường Đại lục và qua Hồng Kông.
Giá chuẩn tại Trung Quốc
Năm 2016, SGE đã tạo ra giá chuẩn vàng của riêng mình để phản ánh tốt hơn các yếu tố cung và cầu địa phương. Giá vàng được xác định hai lần mỗi ngày thông qua sàn đấu giá điện tử, trong các phiên buổi sáng và buổi chiều.
Li nói rằng thật khó để xác định SGE có ảnh hưởng lớn như thế nào đến giá vàng toàn cầu vì cách đặt giá của Trung Quốc dao động lớn so với giá của London. Li cho biết từ đầu năm đến nay, giá vàng trung bình hàng ngày của Trung Quốc đã giao dịch ở mức cao hơn 10 USD mỗi ounce so với giá vàng ở London
Trong báo cáo năm 2018, WGC cho biết khối lượng giao dịch trên SGE đã bùng nổ trong những năm gần đây. Khi Khu thương mại tự do Thượng Hải được thành lập vào năm 2014, nó cho phép những người tham gia thị trường nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch, cho phép các ngân hàng ngoài Trung Quốc nhập khẩu vàng vào Trung Quốc và giao dịch trên nền tảng của nó.
"Toàn bộ câu chuyện" về nhu cầu vàng
Khía cạnh tiền tệ của những giao dịch vàng thu hút các nhà đầu tư", Li nói, thêm rằng giá vàng tính theo đồng đô la Mỹ đã đang mức cao trong lịch sử. "Sức mạnh của đồng đô la đã cản trở sự tăng giá của vàng bằng đồng đô la, trong khi đó, vàng bằng đồng nhân dân tệ thì khác", ông nói.
"Việc giao dịch vàng tại Trung Quốc là một cách mà các nhà đầu tư quốc tế có thể nắm giữ tài sản bằng đồng nhân dân tệ, điều mà họ không thể làm với nhiều khoản đầu tư truyền thống khác vì đồng nhân dân tệ không tự do trôi nổi", Li nói.
"Vàng thường đóng vai trò như một khoản đầu tư trú ẩn an toàn cho người Trung Quốc", Li nói. Tính hợp pháp của nhiều báo cáo tài chính của các công ty niêm yết Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề và chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định nặng nề trên thị trường bất động sản của mình vì lo ngại một bong bóng bất động sản tiềm năng . "Do đó, vàng dần trở thành một trong những khoản đầu tư hợp lý nhất cho người dân Trung Quốc", ông kết luận