Sắp có một loạt thay đổi về thuế

(BĐT) - Chiều 15/8, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về định hướng xây dựng dự án luật sửa đổi 5 luật thuế bao gồm: Thu nhập cá nhân (TNCN), Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Giá trị gia tăng (GTGT) và Tài nguyên (TN). 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo đó, Bộ này đã đưa ra một loạt đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn chính sách về thuế.

Tăng thuế ô tô bán tải, ưu đãi xe sản xuất trong nước

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, lần sửa đổi này gồm các chính sách thuế quan trọng, liên quan thiết thực tới hoạt động của doanh nghiệp (DN) cũng như người dân.

Cụ thể, đối với Luật Thuế TTĐB, ông Thi cho biết, đã đề xuất các phương án đánh giá và áp mức thuế TTĐB mới đối với xe ô tô bán tải (pick-up). Theo đó, mức thuế tăng cao nhất bằng 60% mức thuế áp dụng với xe con cùng dung tích động cơ. “Loại này chủ yếu có dung tích từ 2.000 đến 3.000 cm3 nên nếu thuế suất là 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Về lý do tăng thuế, theo Bộ Tài chính, là do mức tiêu thụ dòng xe này đang tăng cao. Theo thống kê năm 2010, lượng tiêu thụ xe bán tải chiếm 18,6% tổng lượng tiêu thụ xe bán tải và SUB. Đến năm 2016, lượng tiêu thụ đã tăng lên chiếm 41,9%. Do đó, cần tăng thuế để định hướng tiêu dùng, phù hợp thông lệ quốc tế và phù hợp mục đích sử dụng của dòng xe này.

Hiện, thuế TTĐB áp với xe bán tải đang ở mức 15% nếu dung tích xi lanh dưới 2.500 cm3, 20% nếu dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 đến 3.000 cm3, 25% nếu dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.

Bên cạnh việc đề xuất tăng thuế TTĐB xe bán tải nhập khẩu, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án ưu đãi giá tính thuế TTĐB với dòng xe ô tô sản xuất trong nước. Theo đó, Bộ này đề xuất giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Việc này nhằm khuyến khích DN nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thi, việc thực hiện chính sách này có nguy cơ vi phạm cam kết của WTO. Do vậy, cũng cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng. “Nhiều nước đã áp dụng, nhưng mức độ có bị kiện hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp đánh giá kỹ”, ông Thi thông tin.

Về câu hỏi nếu giảm thuế ô tô “nội” có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, ông Thi khẳng định, cùng với việc giảm thuế và lộ trình thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do thì việc giảm thu ngân sách là khó tránh. 

Ưu đãi thuế đối với DNNVV

Liên quan đến Luật Thuế TNDN, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ sửa đổi 8 nội dung. Trong đó, có nội dung về giảm thuế suất cho DNNVV nhằm đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới ban hành.

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại Luật Thuế TNCN. Mục tiêu là phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Cũng tại cuộc họp báo, với mặt hàng thuốc lá, báo cáo của Bộ Tài chính dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Theo thống kê của ngành tài chính, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở mức hơn 48%, thấp hơn nhiều nước khác. Ví dụ, tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan là 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%,… Do vậy, để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là áp thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo quy định, lộ trình thuế TTĐB với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Qua đó, theo phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.

Ông Phạm Đình Thi cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỷ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỷ bao. Bởi vậy, nếu thu thêm mức tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thì ngân sách đã có thêm khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này còn đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt.

Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất. Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ này bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án đầu tiên, tức là áp thuế ở mức 10%.

Chuyên đề