Nhiều người dân vẫn mua bán trao tay, không thực hiện đầy đủ các quy định về giao dịch mua bán tài sản. Ảnh: Gia Khoa |
Ngày 24/10, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại. Vụ án cho thấy thói quen giao dịch mua bán trao tay để lại nhiều hậu quả pháp lý phức tạp.
Phạt 7 năm tù vì trộm tài sản của chính mình
Năm 2011, Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1983, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) mua 1 chiếc ô tô tải ben 7 tấn nhãn hiệu Trường Giang theo hình thức mua xe trả góp. Phú vay vốn tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu GP Bank - Chi nhánh Thăng Long với số tiền 270 triệu đồng, trả nợ gốc và lãi hàng tháng, trong vòng 36 tháng, tài sản bảo đảm chính là chiếc xe ô tô và Ngân hàng giao cho Phú quản lý sử dụng.
Phú sử dụng xe để kinh doanh nhưng không hiệu quả, không có tiền trả nợ gốc và lãi hàng tháng cho Ngân hàng, nên đã đem bán chiếc xe cho anh Trần Quang Tùng với giá 400 triệu đồng. Trong đó, một phần được trừ vào tiền Phú nợ anh Tùng từ trước đó, còn lại 240 triệu đồng, anh Tùng có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng.
Sau này anh Tùng tiếp tục bán xe cho bà Nguyễn Thu Hường và thỏa thuận bà Hường chịu trách nhiệm trả nốt nợ cho Ngân hàng. Bà Hường giao xe cho ông Bình lái xe chở vật liệu xây dựng nhưng không thực hiện việc trả nợ ngân hàng hàng tháng. Khi Ngân hàng giục nợ, Nguyễn Văn Phú quay lại đốc thúc ông Bình trả nợ. Nhiều lần ông Bình hứa trả nợ ngân hàng nhưng rồi không trả.
Đến ngày 9/9/2013, Phú đến nhà tìm ông Bình nói chuyện nhưng ông Bình bỏ vào nhà không tiếp. Lúc này Phú lên xe, lái đến GP Bank - Chi nhánh Đông Anh, bàn giao chiếc xe. Tiếp đó, Phú và GP Bank - Chi nhánh Đông Anh đã thỏa thuận bán chiếc xe cho một người thứ 3 với đủ thủ tục công chứng hợp đồng mua bán, rồi tất toán khoản vay.
Vì hành vi lấy chiếc xe, Nguyễn Văn Phú đã bị truy tố tội trộm cắp tài sản và bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù giam.
Hệ lụy từ thói quen giao dịch mua bán trao tay
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Phan Minh Thanh, người bào chữa cho bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại bởi vụ án có nhiều chứng cứ cho thấy bị cáo Phú không phạm tội trộm cắp, đồng thời cấp sơ thẩm có một số vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Theo Luật sư Thanh, xe ô tô là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, thủ tục mua bán đòi hỏi phải có hợp đồng công chứng và thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này các bên đã mua bán trao tay. Đăng ký xe ô tô vẫn mang tên bị cáo Phú, vẫn là tài sản của bị cáo Phú. Không ai trộm tài sản của chính mình.
Tuy nhiên, thực tế là người dân thường có thói quen mua bán trao tay, không thực hiện đầy đủ các quy định về giao dịch mua bán một số tài sản đặc biệt. Điều này để lại nhiều rủi ro. Chẳng hạn như trường hợp tài sản đã thế chấp ngân hàng, theo quy định tài sản đã thế chấp, cầm cố, đăng ký giao dịch bảo đảm thì không được mua bán, chuyển nhượng. Nhưng ô tô thế chấp ngân hàng vẫn được mua bán trao tay nhiều lần. Thực chất, đây chỉ là chuyển nhượng quyền quản lý sử dụng đi kèm với chuyển nhượng khoản nợ. Giấy tờ đăng ký vẫn mang tên chủ cũ.
Theo Luật sư Thanh, trường hợp các bên mua bán thỏa thuận, biết rõ đây là tài sản thế chấp ngân hàng, pháp luật cấm giao dịch nhưng vẫn cố tình tiến hành giao dịch, thì đây là giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật. Xử lý hậu quả giao dịch này thì các bên phải trả lại nhau những gì đã nhận. Nhưng nếu các bên không thỏa thuận rõ về việc thế chấp thì đây là hành vi gian dối và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, thông thường các ngân hàng đều có quy định về kiểm tra, đánh giá tài sản bảo đảm định kỳ. Trong trường hợp này, khoản vay thực hiện từ năm 2011, đến năm 2012 và 2013 mới xảy ra chuyện mua đi bán lại. Nếu ngân hàng kiểm tra định kỳ sát sao đúng thực tế thì đã phát hiện, ngăn chặn được các giao dịch này cũng như ngăn chặn nguy cơ ngân hàng “mất” tài sản bảo đảm.