Rành mạch cơ chế thu hồi đất để giảm khiếu kiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu hồi đất, trưng dụng đất là 1 trong 8 nhóm vấn đề Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo Nhân dân, với gần 1 triệu ý kiến. Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu quan điểm xây dựng Luật với mong muốn, cơ chế thu hồi đất phải được quy định cụ thể, rành mạch để tránh phát sinh khiếu kiện về đất đai. Theo thống kê, tình trạng khiếu kiện về đất đai thời gian qua chiếm tới 70% các khiếu kiện của người dân gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Cơ chế thu hồi đất phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ảnh: Tiên Giang
Cơ chế thu hồi đất phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ảnh: Tiên Giang

Tại buổi làm việc ngày 7/4/2023, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Dự án luật nhận được 11.685.461 lượt ý kiến đóng góp của Nhân dân trong quá trình soạn thảo. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, qua tổng hợp, có 8 nhóm vấn đề lớn được Nhân dân quan tâm, trong đó vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất có 0,89 triệu ý kiến đóng góp.

Theo quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai hoặc thu hồi đất được Nhà nước giao quản lý. Dự thảo Luật quy định, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, có quyền quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Nhà nước có quyền quyết định thu hồi đất; quyền trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách vì tình trạng khẩn cấp hoặc mục tiêu an ninh, quốc phòng. Dự thảo Luật dành Chương VII quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm đột phá và rất tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành, nhưng đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, còn nhiều điểm cần tư duy rành mạch hơn, quy định cụ thể hơn. Cụ thể, cơ chế thu hồi đất phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay, mới có thể tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chẳng hạn, để ngành thương mại, dịch vụ phát triển thì phải hình thành những khu đô thị, các dự án thương mại, dịch vụ mang tầm quốc tế. Muốn thế, trước hết phải xây dựng được cơ chế thu hồi đất rành mạch cho việc triển khai loại dự án này.

Góp ý cụ thể, ông Nguyễn Đại Thắng cho rằng, bên cạnh quy định các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất thì đối với những dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên cũng nên quy định Nhà nước thu hồi đất, chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân.

Nếu thực hiện cơ chế thỏa thuận thì cần phải có cơ chế để kiểm soát việc thỏa thuận. Nghĩa là, thỏa thuận nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật quy định và khi không thỏa thuận được thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, phải tách bạch rõ ràng các trường hợp trưng dụng đất phục vụ cho quốc phòng, an ninh quốc gia, với việc thu hồi đất phục vụ cho an sinh xã hội, công cộng, hay phát triển các dự án thương mại, dự án khu đô thị mới. Theo ông Hòa, những dự án thương mại hay khu đô thị mới có mục đích kinh doanh, Nhà nước không nên thu hồi đất với loại dự án này, mà nên tạo cơ chế thúc đẩy việc thỏa thuận với người dân.

Liên quan đến việc bồi thường bằng đất, Dự thảo Luật quy định phải giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Góp ý cho nội dung này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, Dự thảo Luật nên quy định rõ việc bồi thường bằng đất theo từng mục đích cụ thể sử dụng đất thu hồi. Cùng với đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ngoài độ tuổi lao động, nhưng chưa đến tuổi được hưởng trợ cấp xã hội khi thu hồi đất nông nghiệp. Đây là những đối tượng không có việc làm cụ thể, nên không có thu nhập hàng tháng. Nếu chưa thu hồi đất nông nghiệp thì họ còn có thu nhập, nhưng khi thu hồi rồi họ nhận tiền bồi thường chỉ một thời gian sau là hết, không còn điều kiện để sinh kế lâu dài.

Giải trình thêm với các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc đền bù đất đai, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo điều kiện sống, điều kiện ở và điều kiện sản xuất, sinh kế được ít nhất bằng trước đây cho người dân. Đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế; chỗ ở tốt hơn tức là trước đây diện tích nhỏ thì bây giờ phải có diện tích lớn hơn… Trong một gia đình 4, 5 thế hệ, cần tính toán làm sao để ngoài chủ hộ, các con đến tuổi trưởng thành có điều kiện ở riêng, có nhà để ở… “Nếu nghiên cứu để làm được như vậy và quy định trong dự luật này thì người dân hết sức phấn khởi”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân tức là trong từng dự án phát triển, nếu thuộc dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, thụ hưởng những thành quả của dự án phát triển; nếu là dự án đô thị, dự án đầu tư thì khu tái định cư phải đi trước, đồng thời chính sách thu hồi đất phải lo được cho những người yếu thế… “Đó mới là mục tiêu cao nhất của chính sách”, ông nói.

Theo dự kiến, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp tháng 5/2023. Trước thực tiễn phức tạp của quá trình thu hồi đất, trưng dụng đất những năm qua, nhiều ý kiến mong rằng, dự án Luật sẽ mở ra nền tảng chính sách mới, hài hòa được lợi ích của người dân với nguồn tài nguyên đất, từ đó giảm đi tỷ trọng 70% kiếu kiện về lĩnh vực này.

Chuyên đề