Nhiều khu công nghiệp thiếu vắng nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tại Kon Tum và Gia Lai vẫn chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn về nguồn vốn và đất đai. Ngoài Gia Lai và Kon Tum, Hà Tĩnh, Bình Thuận... cũng có những KCN được thành lập từ nhiều năm, nhưng đến nay không có nhà đầu tư nào...
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 10 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Trang Anh
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 10 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Trang Anh

Theo Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) tỉnh Kon Tum, kể từ khi các KKT, KCN, CCN được hình thành theo quy hoạch, Tỉnh đã đầu tư xây dựng 44 công trình, dự án với tổng nguồn vốn 2.032,68 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong đó, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y đầu tư 26 công trình, dự án với kinh phí 1.547,472 tỷ đồng; KCN Hòa Bình và KCN Sao Mai đầu tư 3 công trình, dự án với kinh phí 362,291 tỷ đồng; 9 CCN đầu tư 15 công trình, dự án với kinh phí 122,92 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các KCN, CCN này hiện chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Cụ thể, CCN Kon Plông đã được đầu tư đường, điện, nước, rà phá bom mìn... với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng, nhưng chưa có tập thể, cá nhân nào hoạt động. CCN Đăk La (huyện Đăk Hà), diện tích 50 ha, đã hơn 10 năm đầu tư nhưng vẫn chưa xong do vướng giải phóng mặt bằng.

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Kon Tum, trên địa bàn có 10 CCN, nhưng 4 CCN chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, 6 CCN chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, chỉ có KCN Hòa Bình đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, hiện đã lấp đầy và đi vào hoạt động. Theo rà soát, tổng diện tích đất các CCN và KCN này hiện đang lãng phí hơn 100 ha.

Để các KKT, KCN và CNN phát huy hiệu quả, hạn chế lãng phí nguồn lực đầu tư và quỹ đất, sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, chuẩn bị hồ sơ thực hiện các quy trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm diện tích KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, xác định lộ trình, giải pháp cụ thể, căn cơ để thu hồi đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thuê, giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu…

Tại tỉnh Gia Lai, CCN - Tiểu thủ công nghiệp huyện Ia Grai được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 từ năm 2019, nhưng đến tháng 4/2023, UBND Tỉnh mới phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng. Đến nay, dự án này vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư mà mới dừng lại ở khâu rà soát, thẩm định lại để hoàn thiện hồ sơ.

KCN Nam Pleiku tại Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2019, có diện tích 191 ha, tổng mức đầu tư hơn 517 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê thực hiện. Dù đã đầu tư khoảng 133 tỷ đồng cho hạ tầng điện, nước, nhưng đến nay, KCN này vẫn chưa hoàn thành.

“Ban đầu, Dự án do Tỉnh đầu tư. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành quy hoạch, thủ tục đầu tư không thể tiếp tục do vướng mắc liên quan đến quy định tại Luật Đầu tư công nên Dự án được tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư và Công ty Cao Su Chư Sê được chọn. Dù vậy, khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xin Tỉnh cho thuê hạ tầng và tiến hành thủ tục xin miễn, giảm tiền thuê đất thì lại gặp vướng mắc”, Chủ đầu tư phân trần. Bên cạnh đó còn vướng mắc do hệ thống đấu nối giao thông giữa KCN với hạ tầng liên quan vẫn còn vướng mắc; KCN chưa cập nhật cống xả thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải.

Ngoài Gia Lai và Kon Tum, tại Hà Tĩnh, KCN Đại Kim (KKT cửa khẩu Cầu Treo) 33 ha được thành lập từ năm 2007, qua 17 năm đầu tư xây dựng, đến nay KCN này không có doanh nghiệp nào đầu tư hoạt động. Tại tỉnh Bình Thuận hiện có 9 KCN đã và đang xây dựng hạ tầng, diện tích gần 3.000 ha, nhưng có KCN như Tuy Phong được chấp thuận đầu tư từ năm 2013 mới đầu tư được 50% nguồn vốn và chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào.

Theo TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), cả nước hiện có 414 KCN được thành lập, với tổng diện tích gần 127.000 ha; hơn 1.000 CCN với diện tích hơn 31.000 ha. Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, TS. Lê Minh Nghĩa cho biết, sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn dẫn đến một số KCN không được hưởng các chính sách ưu đãi; chưa có chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp trong KCN; chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong KCN cũng chưa thật sự hấp dẫn...

Theo TS. Lê Minh Nghĩa, để thu hút đầu tư vào các KCN, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai… Đồng thời, đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, nhằm thực chất tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chuyên đề