Lãi bèo
Về quỹ, hiện có 7 quỹ đầu tư công bố kết quả hoạt động trong quý I/2016, trong đó có 4 quỹ thua lỗ. 3/5 quỹ do CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý ghi nhận kết quả đầu tư lỗ gồm: Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4), Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFMVFA) và Quỹ ETF VFMVN30.
Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI) do Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam quản lý cũng ghi nhận kết quả hoạt động thua lỗ. So với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ VFMVF4 và ETF VFMVN30 lỗ khá lớn, các quỹ còn lại ghi nhận mức lỗ tương đương.
Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) và Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFMVFB), đều do VFM quản lý ghi nhận kết quả hoạt động có lãi. Trong đó, VF1 ghi nhận mức lãi cao nhất (hơn 5,7 tỷ đồng) trong số 7 quỹ công bố kết quả hoạt động quý I/2016. Mức lãi này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quỹ ghi nhận doanh thu cao nhất (9,5 tỷ đồng) trong số các quỹ công bố kết quả hoạt động đến thời điểm này.
Về các công ty QLQ, Công ty QLQ Eastspring Investments và Công ty QLQ Hùng Việt báo lỗ trong quý I/2016, với mức lỗ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 4 công ty QLQ báo lãi tính đến thời điểm này: An Bình, Tài chính Dầu khí, IPA và Việt Long, thì Công ty QLQ An Bình ghi nhận mức lãi lớn nhất cũng chỉ là 1,6 tỷ đồng.
Với hiện trạng hoạt động trên, ngành quỹ Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài, còn những đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi thì lãi cũng rất “bèo”. Hiệu quả hoạt động mờ nhạt của các quỹ và công ty QLQ đang khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn. Đó là họ phải chứng minh được các quỹ đạt hiệu quả kiếm lời ấn tượng nếu muốn thuyết phục NĐT bỏ tiền vào quỹ. Các công ty QLQ sẽ còn gặp khó trong hút vốn để lập quỹ mới.
Thiếu “đất dụng võ”
Kể từ khi ngành quỹ ra đời cách đây hơn 10 năm, đến nay, sản phẩm đầu tư không có sự khác biệt nhiều. Trong khi các sản phẩm, dịch vụ này lại chưa thuyết phục được NĐT cá nhân bởi kết quả kinh doanh kém hấp dẫn, nên rất khó thu hút NĐT đại chúng…
Có nhiều lý do khiến hiệu quả hoạt động của các quỹ, cũng như nhiều công ty QLQ mờ nhạt. Trong khi quỹ đầu tư bất động sản và quỹ ETF còn khá mới đối với NĐT trong nước, thì các quỹ còn lại hoạt động khá đơn điệu và tương đồng nhau khi chủ yếu quẩn quanh đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu.
Trong khi đầu tư vào trái phiếu vẫn chưa mấy hấp dẫn NĐT cá nhân- đối tượng áp đảo trên thị trường thì đầu tư vào cổ phiếu, họ vẫn thích tự đầu tư hơn là bỏ tiền vào các quỹ. Thói quen đầu tư này đang là thách thức lớn đối với các quỹ trong gọi vốn lập quỹ mới, mặc dù giới làm quỹ nhìn nhận tiềm năng huy động vốn từ thị trường nội địa còn lớn.
Nhiều năm nay, giới làm quỹ đã không dưới một lần chuyển từ kỳ vọng sang… thất vọng, khi nhiều giải pháp mà họ kiến nghị nhà quản lý triển khai sớm, nhưng phía cơ quan quản lý liên tiếp lỗi hẹn. Trong đó, giới đầu tư kỳ vọng nhất là quỹ hưu trí tự nguyện sớm được triển khai, để mở ra dư địa hoạt động mới cho các công ty QLQ, nhưng đến nay, hành lang pháp lý cho sản phẩm này vẫn chưa được định hình.
Giới làm quỹ cũng trông đợi TTCK có một bộ chỉ số chung, với sự hiện diện của các mã chứng khoán thực sự tiêu biểu cho toàn thị trường, để gia tăng sức hấp dẫn cho quỹ ETF. Tuy nhiên, đến nay, hai Sở GDCK mới ở giai đoạn khởi động và nhanh nhất thì cuối năm nay, một chỉ số như vậy mới được đưa vào vận hành.
Để hỗ trợ ngành quỹ đang trong giai đoạn non yếu, các công ty QLQ đã nhiều lần đề xuất miễn, giảm phí mua, bán các sản phẩm quỹ đầu tư, qua đó, thu hút NĐT giao dịch các sản phẩm này, nhưng đã không nhận được sự ủng hộ từ nhà quản lý.
Ngành quỹ đang phải vật lộn để vượt qua khó khăn, nhưng không ai biết giai đoạn khó khăn này kéo dài trong bao lâu và liệu các công ty QLQ có còn “sống” đến lúc đó hay không, khi mà có những quỹ đã phải đóng, công ty QLQ phải ngưng hoạt động.