Ngành công nghiệp xây dựng: Liên kết vươn lên tầm tổng thầu quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiềm năng và thế mạnh của từng ngành trong chuỗi giá trị công nghiệp xây dựng Việt Nam đã xác lập được thứ hạng cao trên bản đồ xây dựng thế giới. Song, đa số vẫn là những mảnh ghép rời rạc, chưa đi cùng nhau để có thể làm tổng thầu quốc tế. Dự báo từ nay đến trước năm 2026 là thời điểm vàng để xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia với chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ.
Năng lực tổng thầu, quản lý thi công của nhà thầu Việt Nam đã vượt qua doanh nghiệp trong khu vực. Ảnh: Lê Tiên
Năng lực tổng thầu, quản lý thi công của nhà thầu Việt Nam đã vượt qua doanh nghiệp trong khu vực. Ảnh: Lê Tiên

Bước tiến vượt bậc

Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vật liệu xây dựng (VLXD), thì ngày nay, nhiều ngành trong chuỗi giá trị công nghiệp xây dựng đã có những bước tiến vượt bậc.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng và VLXD TP.HCM, nhiều sản phẩm của ngành VLXD Việt Nam đang đứng top đầu trên thế giới. Giá trị xuất khẩu gạch ốp lát và sứ vệ sinh đứng vị trí thứ 4 thế giới; clinker và xi măng đứng thứ 5 thế giới; chế biến gỗ và trang trí nội thất đứng thứ 5 thế giới (sau Trung Quốc, Đức, Italia, Mỹ), thứ nhì châu Á, thứ nhất ASEAN; kính xây dựng đứng top 5 ASEAN; sắt thép giữ vị trí số 1 ASEAN…

Không chỉ xây dựng nhà ở, công trình cao tầng, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết, năng lực tổng thầu, quản lý thi công của nhà thầu Việt Nam đã vượt qua doanh nghiệp trong khu vực. Những nhà thầu lừng danh thế giới của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về năng lực của nhà thầu Việt Nam. 30% công trình của Nhà thầu Hòa Bình áp dụng triệt để tiêu chuẩn BIM, trong khi Nhà thầu Hyundai (Hàn Quốc) là 5%. Hòa Phát xây dựng nhà máy công suất 5 triệu tấn thép/năm chỉ trong 18 tháng. Hay Vinfast chỉ mất 21 tháng để đầu tư một dự án sản xuất xe ô tô…

Tính chung, tổng giá trị công nghiệp xây dựng (bao gồm dịch vụ xây dựng và VLXD) đóng góp khoảng 26% GDP. Đây là con số không nhỏ.

Giá trị gia tăng còn thấp

Mặc dù có vị trí và tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng hầu như các ngành trong chuỗi giá trị công nghiệp xây dựng vẫn mạnh ai nấy làm, chưa chú tâm liên kết, đi cùng nhau để nâng cao giá trị gia tăng.

Để phát triển bền vững và có giá trị lâu bền, KTS.TSKH Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, nên giảm thiểu sản phẩm gia công, tăng cường sản xuất sản phẩm theo chuỗi. Muốn làm được như vậy phải nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng hệ thống phân phối, thương hiệu tại nước ngoài.

Theo ông Lê Viết Hải, đã đến lúc không thể tiếp tục duy trì “kinh tế hái lượm”, tức là bán lẻ VLXD hay xuất khẩu lao động xây dựng, mà phải có chiến lược phát triển quốc gia, hướng đến sản phẩm hoàn chỉnh, bán cả công trình theo hình thức tổng thầu (từ khâu thiết kế, cung cấp VLXD, thi công, hoàn thiện nội thất…). Nếu kết hợp theo chuỗi cung ứng như vậy, sản phẩm xuất khẩu sẽ có hàm lượng chất xám cao và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

“Cần khẩn trương tranh thủ tận dụng những lợi thế đang có về dân số vàng, chi phí nhân công, nhiều ngành có thế mạnh… Chỉ khoảng 5 năm nữa sẽ khó khăn hơn rất nhiều, bởi từ năm 2026, dân số bắt đầu già hóa, chi phí nhân công ngày càng tăng...”, ông Hải nhận định.

Để giảm chi phí, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, ông Vũ Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp cần đi cùng nhau để tận dụng hệ sinh thái hỗ trợ, vừa tiết kiệm được chi phí đàm phán, chi phí logistics, nguồn lực… Bắt đầu từ những dự án nội địa, tiến tới hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, tham gia sâu trong các dự án quốc tế lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tạo cơ hội học hỏi, dần nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ.

Muốn đi ra thế giới, trước tiên phải cùng một hệ quy chiếu, đồng bộ về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn với thế giới. “Để hội nhập dễ dàng với thế giới, Chính phủ có thể mua bản quyền hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, sử dụng song song phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt… để áp dụng chung cho cả nước, từ đó hình thành chuỗi sản phẩm tương thích với hệ thống đó”, ông Lê Ngọc Hồ, Chủ tịch Công ty Tư vấn MEP Indochine gợi ý.

Chuyên đề