Ảnh Internet |
“Tôi nghĩ năm nay sẽ là năm đầu tiên chúng ta bắt đầu thấy các ngân hàng trung ương dữ trữ tiền kỹ thuật số như một phần của bảng cân đối kế toán”, Peter Smith, CEO của Blockchain.info cho biết.
Ông Smith cho rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sẽ mua Bitcoin và Ethereum như một phần trong dự trữ của họ. Thông thường các ngân hàng trung ương dự trữ vàng và ngoại tệ nhằm cho phép họ có thể hành động nếu có những cú sốc thị trường.
Sự gia tăng của Bitcoin như một loại tài sản có thế sẽ khiến một số nhà quản lý tiền tệ nắm giữ đồng tiền số này.
“Bitcoin đã nằm trong top 30 loại tiền tệ được cung cấp hàng đầu, và áp lực nắm giữ đồng tiền số này như một phần trong dự trữ sẽ tăng tốc khi giá tăng lên”, ông Smith cho biết.
Eugene Etsebeth, cựu chủ tịch ngân hàng trung ương đang làm việc tại Ngân hàng Dữ trữ Nam Phi, cho biết tiền kỹ thuật số sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu như một loại “vàng kỹ thuật số”. “Năm 2018, các ngân hàng trung ương trong nhóm G-7 sẽ chứng kiến Bitcoin và các đồng tiền số khác trở thành loại tiền tệ quốc tế có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới”, ông Etsebeth cho biết.
Một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu nghiên cứu tiền kỹ thuật số. Tuần trước, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triển khai một dự án chung, nhằm phát hành một loại tiền số được chấp nhận trong các giao dịch xuyên biên giới giữa hai quốc gia. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho biết sẽ phát hành một loại tiền kỹ thuật số mới.
Tuy nhiên, một số nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm của sự bùng nổ tiền kỹ thuật số trong thời gian gần đây và cho biết họ chưa sẵn sàng tham gia thị trường. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi cho biết tiền số chưa đủ “trưởng thành” để được cân nhắc quản lý.
“Với bất cứ điều gì mới mẻ, mọi người đều có những kỳ vọng lớn và sự chắc chắn cũng lớn không kém. Hiện giờ, chúng tôi không nghĩ rằng công nghệ này đã đủ chín muồi để chúng tôi xem xét quản lý”, ông Draghi cho biết hồi tháng 10.