Sức khỏe doanh nghiệp hồi phục là cơ sở quan trọng nhất để các ngân hàng giảm bớt rủi ro nợ xấu, giảm áp lực trích lập dự phòng cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Song Lê |
Ngân hàng nặng gánh trích lập dự phòng
Quý IV/2023, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) - tên mới của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - bất ngờ báo lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng, quý thua lỗ đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV/2023 lên đến 91,3 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực trích lập dự phòng của PGBank diễn ra trong bối cảnh giá trị các khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) tăng 21,6% trong năm 2023 với tổng giá trị đến cuối năm là 905,4 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng gấp 3 lần đầu năm, các khoản nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp 2,2 lần đầu năm.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) báo lỗ sau thuế 110,9 tỷ đồng trong quý IV/2023, gấp 2,7 lần số lỗ của cùng kỳ năm 2022. Trong bối cảnh chi phí lãi tăng cao khiến biên thu nhập lãi thuần của ABBank giảm mạnh về 25,8% từ mức 40,6% của cùng kỳ năm 2022, giá trị thu nhập lãi thuần giảm tới 30,7%, đạt 658,8 tỷ đồng thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV/2023 tăng 76% so với cùng kỳ 2022, lên đến 438 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ABBank tăng tới 91,2% và là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận giảm 2/3 so với kết quả đạt được của năm 2022. Tính đến 31/12/2023, tổng nợ xấu của ABBank là hơn 2.857 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng lên 2,91% từ mức từ 2,88% đầu năm.
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) báo lỗ 669,6 tỷ đồng trong năm 2023 với 2 quý cuối năm liên tiếp thua lỗ. Riêng trong quý IV/2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 56% góp phần khiến nhà băng này lỗ đến 436 tỷ đồng, là quý thua lỗ lớn nhất trong nhiều năm gần đây. Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB cho biết, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của khách hàng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2023 tăng cao so với năm 2022, đặc biệt là các khoản tiền gửi khách hàng có lãi suất huy động cao giai đoạn trước 30/9/2023 đã ảnh hưởng đến chi phí lãi của Ngân hàng.
Không chỉ ở các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ, nhiều ngân hàng quy mô vừa và lớn cũng ghi nhận lợi nhuận quý IV/2023 và cả năm sụt giảm do gánh nặng dự phòng cao trong bối cảnh nợ xấu tăng cả về giá trị và tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) báo lãi trước thuế giảm tới 66,9% trong quý IV/2023 và giảm 28,6% trong năm 2023, chủ yếu do khoản chi phí dự phòng rủi ro tăng tới 17 lần, từ 114,5 tỷ đồng (quý IV/2022) lên 1.970,2 tỷ đồng (quý IV/2023), kéo lợi nhuận giảm sâu bất chấp sự tăng trưởng thu nhập lãi thuần hay lãi từ các hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư… Lũy kế cả năm 2023, chi phí dự phòng của TPBank tăng 114% so với năm 2022, lên tới 3.946 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), chi phí trích lập dự phòng trong năm 2023 tăng gấp gần 4 lần so với năm 2022 (4.846,6 tỷ đồng so với 1.279,6 tỷ đồng năm 2022). Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), chi phí trích lập dự phòng rủi ro của năm 2023 là 1.647 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2022, riêng quý IV/2023 gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022. Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến, từ mức 73 tỷ đồng năm 2022 lên 1.783 tỷ đồng năm 2023.
Mặc dù các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng, nhưng nợ xấu đến cuối năm vẫn tăng mạnh so với đầu năm. Tại TPBank, giá trị nợ xấu là 4.200 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng vọt từ 0,84% (cuối năm 2022) lên 2,05% (cuối năm 2023). Ngoài ra, nợ quá hạn (nhóm 2) cũng tăng 86%.
Tại MSB, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2023 tăng lên 4.281 tỷ đồng, gấp 2,07 lần đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,87% từ mức 1,71% đầu năm…
Kỳ vọng kinh tế phục hồi và các chính sách hỗ trợ
Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được nhiều tổ chức dự báo nằm trong khoảng từ 5,5% - 6% (mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ là 6,0 - 6,5%). Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và thị trường bất động sản dần “tan băng” sẽ giúp cải thiện triển vọng của các nhóm ngành như xây dựng và vật liệu xây dựng. Môi trường lãi suất đang ở mức thấp lịch sử được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư mở rộng kinh doanh… Tăng trưởng kinh tế tốt hơn với sức khỏe doanh nghiệp hồi phục là cơ sở quan trọng nhất để các ngân hàng có thể giảm bớt rủi ro nợ xấu, giảm áp lực trích lập dự phòng cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng hiệu quả của các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác.
Trong báo cáo Triển vọng tín dụng 2024, Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) kỳ vọng, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh phục hồi và khả năng huy động vốn mới được cải thiện, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp dần nâng lên. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn sẽ giúp giảm chi phí vốn, giảm gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp và tổ chức phát hành trái phiếu, từ đó giúp tỷ lệ nợ xấu mới hình thành ở các ngân hàng chậm lại.
Tuy nhiên, sự phục hồi cần có thời gian. Trong bối cảnh hiện nay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước được đánh giá sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp. Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ về việc NHNN đang xem xét gia hạn áp dụng với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, có thể ban hành ngay trong quý I/2024.
Việc cho phép kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, có dòng tiền trả nợ, đồng thời tác động tích cực với các ngân hàng khi có thời gian cân đối, cơ cấu các nhóm nợ, giảm trích lập dự phòng và hạn chế phát sinh thêm nợ xấu. Theo số liệu của VIS Rating, quy mô nợ tái cơ cấu hiện khá lớn, “chiếm khoảng 1% tổng cho vay toàn ngành tính đến cuối tháng 8/2023 và đang không được phân loại là nợ xấu”.