Ngân hàng đảm bảo an toàn các khoản vay của FLC

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến hành vi "thao túng thị trường chứng khoán". Phản ứng trước thông tin này, loạt cổ phiếu “họ” FLC rơi vào cảnh “trắng bên mua” ngay từ đầu phiên giao dịch sáng 30/3. Liên quan đến một số khoản vay của tập đoàn này, một số nhà băng đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư.
Tính đến cuối năm 2021, nợ vay ngắn và dài hạn của FLC ở mức 6.203 tỷ đồng. Ảnh: Song Ngọc
Tính đến cuối năm 2021, nợ vay ngắn và dài hạn của FLC ở mức 6.203 tỷ đồng. Ảnh: Song Ngọc

Một trong những nhà cung cấp tín dụng lớn cho FLC là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ngay trong sáng 30/3 đã phát đi thông tin liên quan đến các khoản vay của Tập đoàn FLC tại ngân hàng này.

Thông báo cho biết, trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC, bao gồm Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19. Các khoản vay có đầy đủ tài sản bảo đảm. Như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, trường hợp phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, bảo đảm an toàn cho hoạt động của Ngân hàng.

Ngoài Sacombank, một chủ nợ khác của FLC là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.

Hiện tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản mà OCB nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn so với khoản vay của FLC tại OCB (thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70 - 80% tổng giá trị tài sản bảo đảm). Được biết, số dư nợ của FLC tại OCB cuối năm 2021 ở mức 1.392 tỷ đồng.

Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phần của Bamboo Airways, tổng giá trị tài sản thế chấp bằng cổ phiếu BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về bảo đảm cho khoản vay khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu bổ sung thêm tài sản bảo đảm cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp. Theo ngân hàng này, bất động sản luôn là tài sản bảo đảm chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung.

Theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2021, tổng nợ phải trả của FLC ở mức hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản (33.787 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay ngắn và dài hạn ở mức 6.203 tỷ đồng. Sacombank là nhà tài trợ tín dụng lớn nhất cho FLC với giá trị 1.840 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà băng cho FLC vay với số dư lớn như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với dư nợ 1.600 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) với dư nợ 584 tỷ đồng, OCB với dư nợ 573 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 170 tỷ đồng... Ngoài ra, FLC còn phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài cho OCB với dư nợ 819 tỷ đồng, NCB với dư nợ 50 tỷ đồng và Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) với dư nợ 150 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp cho các khoản nợ trên chủ yếu là bất động sản, các dự án hình thành trong tương lai. Ngoài ra, FLC cũng dùng 60 triệu cổ phiếu BAV làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay tại NCB.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT chuyên tư vấn đầu tư và hỗ trợ giải pháp quản lý tài sản, cho biết, các nhà băng đang nhận cầm cố cổ phần của Bamboo Airways sẽ phải trích lập dự phòng theo chuẩn quản trị rủi ro của từng ngân hàng trong các trường hợp khẩn cấp như CEO hay chủ tịch HĐQT bị vướng vòng lao lý, đánh giá lại toàn bộ các khoản vay này và yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm để nâng hệ số an toàn.

"Tổng thể những ảnh hưởng về dư nợ, chất lượng tài sản và tín nhiệm sẽ được các nhà băng rà soát lại đi kèm những kế hoạch dự phóng gồm trích lập, yêu cầu bổ sung tài sản", ông Tuấn đánh giá.

Chuyên đề