Nên giảm mạnh thuế và mở rộng đối tượng thụ hưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Đây là sự hỗ trợ rất thiết thực với doanh nghiệp hiện nay, song có ý kiến cho rằng nên tăng mức giảm thuế và mở rộng đối tượng thụ hưởng để tăng hiệu quả chính sách với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chính sách giảm thuế GTGT cho các hàng hóa dịch vụ cần được thực hiện, triển khai cấp thiết . Ảnh: Internet
Chính sách giảm thuế GTGT cho các hàng hóa dịch vụ cần được thực hiện, triển khai cấp thiết . Ảnh: Internet

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung nêu trên và trình Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo dự thảo Nghị quyết, doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề; giảm 30% mức thuế giá trị gia (GTGT) tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, chính sách này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi vì nó như những "nguồn máu" cứu sinh cho doanh nghiệp và người dân dưới góc độ tài chính. Theo tính toán của Bộ Tài chính, gói hỗ trợ này có quy mô gần 20.000 tỷ đồng, điều đó có nghĩa là nền kinh tế, khối tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp được sử dụng toàn bộ nguồn tài chính 20.000 tỷ đồng vào việc duy trì sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn như trả lương, mặt bằng và các chi phí cần thiết mà không phải đi vay không phải trả lãi vay và đặc biệt không phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước.

Ông Được cho rằng, trong tất cả các gói hỗ trợ nêu trên thì chính sách giảm thuế GTGT cho các hàng hóa dịch vụ cần được thực hiện, triển khai cấp thiết bởi hiệu quả của chính sách này là vô cùng to lớn.

Theo đó, giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc giảm giá bán, điều này hoàn toàn cần thiết và phù hợp với bối cảnh giá các sản phẩm hàng hóa đang tăng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bị gãy tại một số nút thắt và hoàn toàn phù hợp, cấp thiết trong bối cảnh người dân, người lao động khó khăn do giảm lương, mất việc... Bên cạnh đó, khi giảm thuế, giá bán giảm sẽ làm kích cầu, từ đó giúp cho nhà sản xuất bán được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn, có tác động tích cực hỗ trợ cho khâu sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp.

Vì vậy, mức giảm thuế GTGT 30% cần được xem xét nới lên 50% để chính sách có hiệu quả mạnh mẽ, toàn diện. Mặt khác cũng cần mở rộng đối tượng được áp dụng giảm thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, thiết yếu bên cạnh những hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng của Covid-19 như kế hoạch đề ra.

Đối với chính sách giảm thuế TNDN, cũng cần nâng tỷ lệ giảm lên mức phù hợp bởi vì không chỉ quý III/2021 doanh nghiệp gặp khó khăn mà dự báo những khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài và thường trực trong quý IV/2021 cũng như thời gian tiếp theo.

Về giảm thuế cho hộ cá nhân kinh doanh, theo vị chuyên gia về thuế này, cũng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý với từng đối tượng. Theo đó, có thể xem xét miễn thuế của hộ, cá nhân kinh doanh trong quý III và IV năm 2021 đối với những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khi thực hiện các Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đối với các hộ, cá nhân còn lại tại các địa phương không bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, nên giảm 50% thuế của quý III và IV năm 2021 như kế hoạch đã đặt ra.

Về chính sách miễn tiền chậm nộp, ông Được cho rằng, chính sách này là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp, người dân không phát sinh khoản lãi do chậm nộp tương ứng với chính sách gia hạn thuế. Tuy nhiên chính sách này cần quan tâm về đối tượng áp dụng, mở rộng hơn ngoài những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ năm 2018, 2019 và năm 2020 như kế hoạch.

“Hơn hết, cần thiết kế các hồ sơ, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin dưới sự kiểm tra, giám sát (hậu kiểm) của ngành Thuế”, ông Được nói.

Cùng quan điểm trên, TS. Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đây là chính sách rất phù hợp ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong lúc doanh nghiệp đang hết sức khó khăn hiện nay, các thủ tục hỗ trợ cần được làm rất nhanh và thuận tiện, giảm bớt công văn giấy tờ thì mới cứu kịp được doanh nghiệp.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề