Nâng niu và phát huy hiệu quả từng đồng vốn ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quá trình lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi), việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu và chỉ định thầu là những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Luật mới đã có nhiều điều chỉnh chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động mua sắm, đầu tư công. Đồng thời, phạm vi chỉ định thầu bắt kịp xu thế chung nhưng không tạo kẽ hở để lợi dụng hình thức này.
Những quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho thấy sự chặt chẽ, tăng tính giải trình, gắn liền trách nhiệm của các chủ đầu tư, người có thẩm quyền khi thực hiện chỉ định thầu
Những quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho thấy sự chặt chẽ, tăng tính giải trình, gắn liền trách nhiệm của các chủ đầu tư, người có thẩm quyền khi thực hiện chỉ định thầu

Hóa giải “vòng tròn khép kín” trong đấu thầu

Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định làm rõ yêu cầu bảo đảm cạnh tranh giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực chuyên sâu tham dự những gói thầu do cơ quan quản lý nhà nước làm chủ đầu tư; công ty con tham dự gói thầu do công ty mẹ làm chủ đầu tư để tận dụng lợi thế, sở trường trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con. Theo đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã cơ cấu, điều chỉnh và tăng 1 khoản về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu so với Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, khoản 4 của Điều 6 (Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu) đã tường minh chi tiết các nội dung so với quy định cũ. Cụ thể, có 4 điểm cụ thể hóa tiêu chí “độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính” gồm: a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập; b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau; c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế; d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.

Đặc biệt, điểm d khoản 1 Điều 6 quy định nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với “Chủ đầu tư, bên mời thầu, trừ trường hợp nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với tính chất gói thầu của cơ quan quản lý nhà nước đó hoặc là công ty thành viên, công ty con của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính phù hợp với tính chất gói thầu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó”. Theo ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thiết bị y tế TP.HCM, đây là một điểm hoàn toàn mới. “Hiện nay, rất nhiều đơn vị có “gốc” là doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, vì cách hiểu cũ, máy móc mà trong một số trường hợp, việc dự thầu của các doanh nghiệp này gặp khó khăn, thậm chí bị nghi ngờ về tư cách hợp lệ, tính cạnh tranh”, ông Doãn phản ánh.

Theo chia sẻ của ông Doãn, một chủ đầu tư vừa tổ chức, vừa tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát, thẩm định… khiến tính minh bạch không còn. Đây là vấn đề làm phát sinh tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Không bảo đảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, không tách bạch các chủ thể là nguyên nhân của nhiều hệ lụy xấu mà nhiều lĩnh vực đang phải chấn chỉnh lại khi tổ chức đấu thầu. Do đó, các nội dung mới của Điều 6 Luật Đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hóa giải những “vòng tròn khép kín” trong đấu thầu.

Chỉ định thầu: Linh hoạt với thực tế nhưng kiểm soát chặt từng đồng vốn

Quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 gồm 4 khoản với 15 điểm đã tăng lên thành 7 khoản với 16 điểm tại Điều 23 Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sự gia tăng này, theo đánh giá của một số chuyên gia, là rất kịp thời để điều chỉnh các tình huống thực tế. Thậm chí, từng khoản, điểm cho thấy sự chặt chẽ, tăng tính giải trình, gắn liền trách nhiệm của các chủ đầu tư, người có thẩm quyền khi thực hiện chỉ định thầu.

Thực tế, bối cảnh lấy ý kiến xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) khá đặc biệt, khi đất nước vừa trải qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhiều hoạt động đấu thầu, mua sắm liên quan đến phòng chống dịch bị ngưng trệ trong giai đoạn này do chưa có tiền lệ hoặc các chủ đầu tư, bên mời thầu chưa hiểu đúng quy định. Luật Đấu thầu (sửa đổi) dành nhiều dung lượng để quy định các hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Đặc biệt, tại Khoản 1 Điều 23, các điểm a, b, c đã bao gồm nội hàm của việc chỉ định thầu trong những tình thế bất khả kháng, nguy hại đến tính mạng của người dân.

Điểm c Khoản 1 Điều 23 nêu rõ, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường, thực chất đã kế thừa, bổ sung thêm cho điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013. “Nội dung này được kỳ vọng gỡ vướng rất nhiều cho cơ sở y tế công lập khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực”, đại diện Phòng Vật tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ.

Sự chặt chẽ, quản lý hiệu quả từng đồng vốn ngân sách nhà nước tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) thể hiện rõ tại khoản 4 Điều 23. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với Luật Đấu thầu năm 2013 khi gắn liền trách nhiệm của đơn vị mua sắm đối với các gói thầu với giá không quá 50 triệu đồng. Cụ thể, “thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật”. Chia sẻ với phóng viên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, số lượng các gói thầu mua sắm bằng ngân sách nhà nước dưới 50 triệu đồng là khổng lồ và lâu nay nằm ngoài sự kiểm soát của các kênh giám sát. “Luật Đấu thầu (sửa đổi) gắn chặt trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị mua sắm với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ là minh chứng cho việc trân trọng từng đồng vốn ngân sách nhà nước”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư