Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào tháng 5/2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại thông báo kết luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) yêu cầu Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định của Dự án Luật để đảm bảo thống nhất với các luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Đấu giá tài sản...
Ảnh minh họa - internet
Ảnh minh họa - internet

Theo đó, UBTVQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự án Luật. Để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo Dự án Luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, sử dụng hợp lý, hiệu quả tần số vô tuyến điện để phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Việc sửa đổi Dự án Luật phải bao quát, thể hiện tần số vô tuyến điện là tài sản công quốc gia, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế và sử dụng hiệu quả, bảo đảm lợi ích quốc gia, chủ quyền số quốc gia; bổ sung thêm báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề cấp tần số phục vụ các mục đích công cộng, bảo đảm an ninh công cộng.

UBTVQH nêu rõ, cần tiếp tục rà soát Dự án Luật để đảm bảo thống nhất với các luật khác như: Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Phí và lệ phí; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư; Luật Đấu giá tài sản…, đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; không để lúng túng, vướng mắc hoặc gây ách tắc, cản trở sự phát triển khi luật đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, Dự án Luật phải có các quy định chặt chẽ, giải pháp đủ mạnh để quy định trách nhiệm doanh nghiệp phải triển khai đầy đủ các cam kết thiết lập mạng viễn thông; thu hồi lại các tần số không sử dụng, sử dụng không hiệu quả của doanh nghiệp.

Dự án Luật cũng cần phân tích thêm, đánh giá kỹ tác động của phương án đấu giá băng tần và phương án không đấu giá băng tần, nhất là mặt được và hạn chế của 2 phương án để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Về nguyên tắc, đấu giá băng tần phải tuân thủ Luật Đấu giá tài sản. Quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển. Quy định nguyên tắc tính toán mức thu và các quy định quản lý, sử dụng đối với thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong Luật.

UBTVQH cũng yêu cầu nghiên cứu chính sách cấp phép sử dụng băng tần trực tiếp không qua đấu giá thi tuyển và các chính sách ưu đãi khác phù hợp với nhiệm vụ được giao cho các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh khi được sử dụng tần số nhằm phát triển kinh tế - xã hội và sẵn sàng phục vụ các yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

Chuyên đề