Lợi nhuận doanh nghiệp giảm sâu: Tiền đâu trả cổ tức?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp (DN) như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, Công ty CP FPT Retail, Công ty CP Thế giới số, Công ty CP Nam Việt... ghi nhận lợi nhuận giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2023. Lợi nhuận sụt giảm khiến triển vọng cổ tức năm nay trở nên u ám.
Nhiều doanh nghiệp nhóm ngành kinh doanh điện thoại di động, máy tính khó có khả năng duy trì cổ tức như năm 2022. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều doanh nghiệp nhóm ngành kinh doanh điện thoại di động, máy tính khó có khả năng duy trì cổ tức như năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Hủy, trễ hẹn trả cổ tức vì thiếu dòng tiền

Ngày 6/11/2023, Công ty CP Lương thực Bình Định (mã chứng khoán: BLT) đã công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường thông qua tờ trình việc ngừng chi trả cổ tức còn lại theo phương án đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên ngày 20/4/2023 của Công ty.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên đã thông qua việc trả cổ tức tiền mặt cho lợi nhuận tạo ra trong năm 2022 với tỷ lệ 170,5% vốn điều lệ (17.050 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, sau khi trả cổ tức với tỷ lệ 30% vốn điều lệ vào tháng 6/2023, HĐQT Lương thực Bình Định trình cổ đông ngừng chi trả số cổ tức tiền mặt 140,5% vốn điều lệ còn lại trong bối cảnh giá vốn hàng hóa tăng đột biến, Công ty phải duy trì mức dự trữ lưu thông hơn 3.000 tấn gạo. Ngoài ra dự kiến cần huy động khoảng 40 tỷ đồng cho công tác đầu tư cơ bản trong năm 2023 - 2024 khiến tình hình tài chính rất khó khăn, không có nguồn vốn để chi trả phần cổ tức còn lại.

Không đến mức phải hủy phương án trả cổ tức như Lương thực Bình Định, nhưng đầu tháng 10/2023, Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 cho cổ đông từ ngày 6/10/2023 theo kế hoạch sang ngày 20/12/2023 do “tình hình kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, thu hồi nợ chậm nên chưa đủ nguồn tiền để trả cổ tức”.

Cụ thể, với tỷ lệ trả cổ tức 14% vốn điều lệ, số tiền cần cho đợt chi trả này vào khoảng 352 tỷ đồng, gấp 1,7 lần số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn của Công ty đến 30/9/2023 (205,5 tỷ đồng). Trong khi đó, áp lực nợ ngắn hạn của IJC khá lớn với 2.293 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó số dư nợ vay là 696 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm nay cũng không khả quan khi giảm 28% về doanh thu và giảm 34% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Công ty CP Cà phê Thuận An (TAN) thông báo dời ngày thanh toán cổ tức bằng tiền của năm 2022 từ 13/10/2023 theo kế hoạch sang ngày 28/3/2024 và lý giải: “trên cơ sở cân đối nguồn tài chính, Công ty không thể đáp ứng chi trả đúng thời hạn theo kế hoạch ban đầu”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên. Tuy nhiên, đã gần giữa tháng 11/2023, rất nhiều DN vẫn im ắng trong việc thực hiện chi trả cổ tức theo phương án đã được ĐHCĐ thường niên thông qua. Lý do chủ yếu được đánh giá đến từ bối cảnh kinh doanh khó khăn, dòng tiền về yếu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính để trả cổ tức.

Kinh doanh khó khăn, u ám triển vọng cổ tức

Trong mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, xu hướng sụt giảm lợi nhuận được ghi nhận tại khá nhiều nhóm ngành, phản ánh thực tế bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn với sức cầu yếu tại cả thị trường trong nước và xuất khẩu, biến động bất thường của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất…

Chẳng hạn, tại nhóm ngành kinh doanh điện thoại di động, máy tính, các DN như Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), Công ty CP FPT Retail (FRT), Công ty CP Thế Giới Số (DGW) đều ghi nhận lợi nhuận lao dốc trong quý III và 9 tháng đầu năm nay. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng của MWG chỉ đạt 77,5 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của DGW cũng giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. ”Ông lớn” có thị phần thứ 2 cả nước trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị di động là FRT còn báo lỗ sau thuế 225,7 tỷ đồng sau 9 tháng.

Năm 2022, FRT đã trả cổ tức 5% vốn điều lệ bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; DGW trả cổ tức tiền mặt 10% vốn điều lệ; MWG trả cổ tức tiền mặt 5% vốn điều lệ. Với tình hình kinh doanh ảm đạm sau 9 tháng 2023 và triển vọng quý IV chưa khả quan, MWG, FRT và DGW được đánh giá khó có khả năng duy trì cổ tức như năm vừa qua, chưa nói đến kỳ vọng tốt hơn.

Ít phụ thuộc vào thị trường nội địa, nhưng sức cầu yếu tại các thị trường xuất khẩu là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các DN dệt may, thủy sản lao dốc mạnh trong 9 tháng đầu năm nay, tương lai cổ tức “thụt lùi” đang chờ đợi cổ đông của các DN trong nhóm ngành này.

Tại nhóm ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) công bố lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 198 tỷ đồng, giảm tới 81,6% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) báo lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 111 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và mới thực hiện được 45% mục tiêu lợi nhuận năm. Lợi nhuận của các DN khác như Công ty CP May Sông Hồng (MSH), Công ty CP Đầu tư thương mại TNG (TNG), Tổng công ty CP Phong Phú (PPH)… cũng giảm 2 chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại ĐHCĐ hồi tháng 4/2023, HĐQT Công ty CP May Sông Hồng đã trình và được cổ đông thông qua cổ tức tiền mặt năm 2022 ở mức 25% vốn điều lệ và kế hoạch đặt ra cho năm 2023 là từ 15% - 35%, nhưng với tình hình lợi nhuận hiện nay, mức cổ tức dự báo sẽ khó cao hơn con số thực hiện năm ngoái.

Tại nhóm ngành thủy sản, sụt giảm lợi nhuận cũng là xu hướng chiếm đa số với các DN lớn như Công ty CP Nam Việt (ANV), Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI), Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) đều báo lợi nhuận 9 tháng giảm trên dưới 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) còn báo lỗ sau thuế 9 tháng 115 tỷ đồng khiến kế hoạch chia cổ tức ở mức 50 - 70% lợi nhuận tạo ra trong năm 2023 trở nên xa vời.

Các DN trong ngành xi măng thường có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn trong những năm qua, nhưng triển vọng năm nay rất ảm đạm khi hàng loạt DN báo lỗ sau 9 tháng như Vicem Hà Tiên, Vicem Hoàng Mai, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân, Xi măng Bỉm Sơn.

Số liệu kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm nay của nhiều DN trong các nhóm ngành khác như ngân hàng, xây dựng - bất động sản, phân bón - hóa chất cũng ghi nhận mức giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái khiến triển vọng cổ tức của các DN trở nên u ám theo bức tranh lợi nhuận.

Chuyên đề