Không còn “đất sống” cho sự gian trá

(BĐT) - Quy định mới tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, được dư luận đánh giá là chế tài đủ mạnh về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Quy định mới tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, được dư luận đánh giá là chế tài đủ mạnh về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về những tác động đối với công tác đấu thầu và khả năng áp dụng Điều này khi Bộ luật có hiệu lực thi hành.

Với việc Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có Điều 222 quy định về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, ông đánh giá quy định này sẽ có tác động như thế nào đến công tác đấu thầu?

Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ KH&ĐT cũng như các bộ, ngành liên quan đã có những nỗ lực trong việc soạn thảo, ban hành và thực thi các quy định mới của pháp luật về đấu thầu. Trong đó, đã tích cực vừa thực hiện các biện pháp tăng cường chuyên môn, chuyên nghiệp hóa vừa tăng cường công khai minh bạch đi đôi với phòng, chống các hành vi tiêu cực trong đấu thầu. Theo đó, tại Điều 89 Luật Đấu thầu đã có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu và Điều 90 có quy định về xử lý vi phạm.

Lời khuyên cho tất cả các nhà thầu là hãy làm ăn nghiêm túc, nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp, bài bản và nên dựa vào các hiệp hội nghề nghiệp để có những tư vấn pháp lý cần thiết, tránh vì sự “không thuộc bài”, thiếu hiểu biết dẫn đến những vi phạm không đáng có.

Cục trưởng
Cục Quản lý đấu thầu
Nguyễn Đăng Trương

Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn cũng đã có quy định về xử lý hành vi tiêu cực, các chế tài theo quy định về hành chính. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 90 của Luật Đấu thầu có quy định rằng: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, việc Bộ luật Hình sự có quy định tại Điều 222 về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chính là sự nối tiếp quy định tại Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 và tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Trong bối cảnh mà tình trạng thông thầu, gian lận, các hành vi tiêu cực vẫn còn được dư luận phản ánh rất nhiều thì việc ra đời của điều luật mới này (Điều 222 Bộ luật Hình sự - PV) là hết sức cần thiết, cấp thiết và sẽ có tác động tích cực đến công tác đấu thầu nói riêng và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước nói chung. 

Quy định tại Điều 222 không chỉ nhắm đến nhà thầu, chủ đầu tư, mà còn có các cơ quan liên quan khác. Theo ông thì đối tượng chịu tác động mạnh nhất là ai?

Điều 222 không chỉ nhắm đến nhà thầu, chủ đầu tư mà còn nhắm đến tất cả các đối tượng liên quan. Tại Khoản 1 của Điều 222 có quy định: “Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây…”, nghĩa là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào mà có thực hiện hành vi đó, bao gồm cả nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ quan thanh tra, kiểm toán, những người có thẩm quyền,… nếu có thực hiện các hành vi được liệt kê tại Khoản 1 Điều 222 thì đều là đối tượng điều chỉnh của điều này.

Quy định này đã tạo được một chế tài công bằng, cả phía cơ quan nhà nước và cả phía doanh nghiệp, nhà thầu, mà không thiên lệch, nương nhẹ cho bất kỳ đối tượng nào.

Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu  thường là hành vi có tổ chức. Với quy định mới tại Điều 222 nêu trên, có ý kiến cho rằng, thông thầu sẽ là con đường tắt dẫn các cá nhân vi phạm đến trại giam. Ông có ý kiến gì về điều này?

Đúng là tình trạng thông thầu, “quân xanh quân đỏ” thường là sự dàn xếp giữa một và nhiều bên tham gia đấu thầu để tạo lợi thế riêng cho mình, tạo sự cạnh tranh không công bằng, để cho một bên trúng thầu. Việc thông thầu có thể xảy ra theo các hình thức là: giữa các nhà thầu với nhau cùng tham dự thầu, giữa bên mời thầu với nhà thầu, hoặc giữa chủ đầu tư với nhà thầu, thậm chí cả với cơ quan thẩm định… Nên luật sẽ rất công bằng, nếu cứ thực hiện hành vi như vậy thì bị xử lý theo đúng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 222 của Bộ luật Hình sự và khung xử phạt sẽ bị xử lý theo quy định tại Điểm b Khoản 2 của Điều 222 này (phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm - PV)

Pháp luật đấu thầu đã quy định khá chi tiết về hành vi bị cấm và xử lý vi phạm trong đấu thầu (Điều 89, 90 Luật Đấu thầu và Điều 121, 122, 123, 124 Nghị định 63/2014/NĐ-CP). Các quy định này dường như đã đón đầu, tạo thuận lợi cho việc thực thi Điều 223 của Bộ luật Hình sự. Theo ông, khi Luật Hình sự 2015 có hiệu lực thì đã áp dụng ngay được Điều 222 chưa? Có cần chuẩn bị thêm các hướng dẫn nữa không?

Như đã nói ở trên, Điều 222 này kết hợp với Điều 89 và Điều 90 của Luật Đấu thầu đã tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật từ hành chính đến hình sự quy định về cùng một vấn đề. Và nội dung quy định đã rất rõ nên theo quan điểm cá nhân của tôi thì khi luật có hiệu lực thi hành là chúng ta phải thi hành ngay mà không phải chờ thêm hướng dẫn gì nữa.

Là người đứng đầu Cục Quản lý đấu thầu, giúp Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, ông có chia sẻ điều gì với nhà thầu, chủ đầu tư,… để giúp thực hiện tốt quy định pháp luật về đấu thầu?

Lời khuyên cho tất cả các nhà thầu là hãy làm ăn nghiêm túc, nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp, bài bản và nên dựa vào các hiệp hội nghề nghiệp như là Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, hoặc các hiệp hội ngành nghề hoặc Hội Luật sư để có những tư vấn pháp lý cần thiết, tránh vì sự “không thuộc bài”, thiếu hiểu biết dẫn đến những vi phạm không đáng có.

Đặc biệt, phải tự thân nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn hóa trong công tác đấu thầu từ việc nghiên cứu, nắm rõ các quy định của pháp luật, nhất là các chế tài như thế này. Đồng thời, khi tham gia đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng phải bảo đảm tuân thủ theo quy định pháp luật của Nhà nước.

Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (mới)

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

(a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; (b) Thông thầu; (c) Gian lận trong đấu thầu; (d) Cản trở hoạt động đấu thầu; (đ) Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; (e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; (g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt từ 03 năm đến 12 năm: (a) Vì vụ lợi; (b) Có tổ chức; (c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; (d) Gây thiệt hai về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Trích Bộ luật Hình sự 2015)

Chuyên đề