Một số gói thầu mua sắm thiết bị phổ thông yêu cầu cung cấp nhiều chứng nhận, chứng chỉ đối với nhân sự chủ chốt và lao động phổ thông. Ảnh minh họa |
Gói thầu Thiết bị đồ gỗ thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Vĩnh Long có giá trị 2,2 tỷ đồng đang trong thời gian phát hành HSMT đã khiến nhiều nhà thầu bức xúc về nhân sự huy động cho Gói thầu. Theo đó, ngoài 2 nhân sự chủ chốt, bên mời thầu còn yêu cầu nhà thầu cung cấp 10 lao động lành nghề với loạt chứng chỉ như: chứng chỉ nghề hoặc chứng nhận đào tạo nghề; thẻ huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) - vệ sinh lao động; giấy chứng nhận huấn luyện phòng cháy chữa cháy (PCCC) do cơ quan PCCC cấp; quyết định và danh sách của đơn vị đào tạo cấp thẻ huấn luyện ATLĐ và chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ; quyết định của đơn vị đào tạo kèm theo danh sách công nhân học nghề, hợp đồng giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp có công nhân học nghề, chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý và hóa đơn…
“Các yêu cầu về chứng nhận, tài liệu chứng minh quá nhiều, quá khó với đội ngũ lao động phổ thông cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu, đi ngược với tinh thần của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Trong khi đó, đây chỉ là gói thầu thuần túy cung cấp các thiết bị đồ gỗ như bàn, ghế, bục…”, một nhà thầu cho biết.
Cũng liên quan đến chứng nhận huấn luyện PCCC, trong tháng 3/2023, tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), HSMT Gói thầu Trang thiết bị trường học thuộc Dự án Trường THCS Tân Đông Hiệp yêu cầu 2 nhân sự chủ chốt, gồm: cán bộ chỉ huy trưởng (hoặc giám đốc dự án hoặc quản lý chung) tốt nghiệp từ đại học trở lên, có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm hoặc 3 hợp đồng tương tự, có giấy chứng nhận huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động còn hiệu lực; cán bộ phụ trách về ATLĐ - môi trường và PCCC yêu cầu tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, có giấy chứng nhận huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động thuộc nhóm II còn hiệu lực; có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn PCCC còn hiệu lực”.
Trong lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn, phổ biến tình trạng các bên mời thầu yêu cầu nhà thầu dự thầu gói thầu bảo hiểm rủi ro tài sản phải được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch và coi đây là tiêu chí để loại nhà thầu nếu không đáp ứng, khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này gửi nhiều văn bản phản đối. Bởi theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định xếp hạng bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch áp dụng cho hoạt động tái bảo hiểm và các doanh nghiệp tái bảo hiểm. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam được cấp chứng nhận xếp hạng này là rất ít.
Tại Hậu Giang, Gói thầu Tư vấn kiểm toán thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ khiến hàng loạt nhà thầu cung cấp dịch vụ kiểm toán “choáng váng” với tiêu chí nhân sự chủ chốt. Cụ thể, các vị trí nhân sự chủ chốt phải cung cấp các loại chứng chỉ hành nghề chuyên ngành như: chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản đối với lựa chọn nhà thầu; thẻ thẩm định viên về giá; chứng chỉ định giá tối thiểu hạng III trở lên; chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu… “Lạm phát chứng nhận, chứng chỉ thể hiện rõ nhất tại gói thầu này”, một nhà thầu khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến cho biết, lạm dụng chứng nhận/chứng chỉ khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá của HSMT đang là căn bệnh trầm kha, chưa thực sự được chấn chỉnh kịp thời dẫn tới nhiều cuộc thầu kém cạnh tranh. “Dù chỉ là các chứng nhận/chứng chỉ có tính chất làm đẹp hồ sơ cho cá nhân/doanh nghiệp, nhưng lại được các bên mời thầu coi là tiêu chí trọng yếu, cho mức điểm tối đa khi đánh giá hồ sơ dự thầu. Điều này dẫn tới khả năng loại bỏ nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và cạnh tranh về giá”, chuyên gia này chia sẻ.