Hancorp vướng nợ khó đòi, kinh doanh đi xuống

(BĐT) - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2019 đã được kiểm toán. Ngoài việc còn tồn đọng hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi và các khoản đầu tư có nguy cơ mất vốn, hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2019 của doanh nghiệp này cũng đang đi xuống.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh doanh của Hancorp là doanh thu từ hoạt động xây lắp tăng trưởng 7%, đạt 754 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Phạm Minh Tuấn
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh doanh của Hancorp là doanh thu từ hoạt động xây lắp tăng trưởng 7%, đạt 754 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Phạm Minh Tuấn

Nguy cơ mất trắng hơn 200 tỷ đồng nợ khó đòi

Theo báo cáo, tại thời điểm cuối quý II/2019, tổng nợ phải thu của Hancorp là 2.100 tỷ đồng. Trong đó, tổng số dư các khoản nợ xấu (các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi) là 217,5 tỷ đồng. Nếu như tại thời điểm đầu năm 2019, Hancorp đánh giá có thể thu hồi được 116 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu này, thì sau nửa năm, Tổng công ty dự tính chỉ có thể thu hồi được 60 tỷ đồng.

Một số khoản nợ xấu phải thu lớn của Hancorp có thể kể đến hơn 67,6 tỷ đồng với Công ty CP Xây dựng Hancorp 2; gần 36 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng; 29 tỷ đồng từ Công ty CP Cơ khí và Xây dựng…

Cũng liên quan đến các khoản phải thu, Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2019 của Hancorp - cho biết, tại thời điểm 30/6/2019, vẫn còn 20,2 tỷ đồng số dư công nợ phải thu của Tổng công ty chưa được đối chiếu, xác nhận.

Không chỉ phát sinh các khoản nợ xấu, Hancorp cũng đang phải trích lập dự phòng cho các khoản góp vốn vào các đơn vị khác, tính đến cuối quý II/2019 là 73,1 tỷ đồng. Trong đó có khoản góp 44 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng nhưng đã phải trích lập dự phòng 40,8 tỷ đồng. Hay khoản góp 32,5 tỷ đồng vào Công ty CP SAHABAK đang phải trích lập dự phòng 13 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2019, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của Hancorp là 133,2 tỷ đồng, riêng khoản nợ vay ngắn hạn là 815,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của Hancorp giảm 648 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn hơn 4.527 tỷ đồng.

Nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản (43%) đặt ra những thách thức cho Hancorp trong việc thanh toán nợ đến hạn trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi.

Lợi nhuận giảm mạnh

Hancorp là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành ngày 11/12/1982. Vốn điều lệ của Hancorp tại thời điểm 30/6/2019 là 1.410 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 98,83%. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, thi công xây lắp và đầu tư bất động sản.
Ngoài rủi ro về các khoản nợ xấu, mất vốn góp đầu tư, hoạt động kinh doanh của Hancorp trong nửa đầu năm 2019 cũng đi xuống rõ rệt.

Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty chỉ đạt 908 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân sụt giảm do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của Hancorp chỉ đạt 108 tỷ đồng, bằng 1/6 so với con số đạt được cùng kỳ năm 2018. Còn hoạt động xây lắp ghi nhận tăng trưởng 7%, đạt 754 tỷ đồng doanh thu.

Giá vốn hàng bán cũng giảm gần 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 867,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về đạt 40,7 tỷ đồng, giảm 26% so với nửa đầu năm 2018.

Về hoạt động tài chính, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí tài chính âm 3,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 là dương 32 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và ghi nhận thêm lợi nhuận từ các hoạt động khác, Hancorp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3,9 tỷ đồng, bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2018.

Trên thị trường, cổ phiếu của Hancorp (mã chứng khoán: HAN) có thanh khoản khá thấp và hiện giao dịch quanh mức 9.800 đồng/cổ phiếu, giảm 16% trong vòng 2 tháng.

Chuyên đề