Goldman Sachs: Thế giới có thể đối mặt một cú sốc năng lượng lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
Việc Nga tấn công Ukraine và bị phương Tây đáp trả bằng một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đang đặt nền kinh tế thế giới trước nguy cơ một cú sốc năng lượng lịch sử...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

“Tình trạng bấp bênh quanh việc cuộc khủng hoảng này và tình trạng khan hiếm dầu này sẽ được giải quyết như thế nào là chưa từng có tiền lệ”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs được trang CNN Business trích dẫn.

Vào hôm thứ Ba tuần này, Mỹ tuyên bố cấm nhập khầu dầu thô và khí đốt từ Nga, Anh cũng tuyên bố sẽ cắt giảm dần tiến tới chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga vào cuối năm nay. Một báo cáo hôm thứ Tư của Rystad Energy cảnh báo rằng nếu các nước phương Tây khác gia nhập cùng Mỹ cấm nhập năng lượng Nga, giá dầu có thể tăng vọt lê tới 240 USD/thùng trong mùa hè năm nay.

Một sự trừng phạt ồ ạt như vậy sẽ dẫn tới một “lỗ hổng” 4,3 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường toàn cầu và sự gián đoạn nguồn cung này “không thể được thay thế một cách nhanh chóng bằng các nguồn dầu khác”, Rystad nhận định.

“Xét tới vai trò của Nga về cung cấp năng lượng cho thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.

Theo báo cáo này, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến nguồn cung dầu thô và các sản phẩm từ dầu mà Nga xuất khẩu ra thị trường toàn cầu giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày. Nếu sự gián đoạn này kéo dài, đó sẽ là cú sốc dầu lửa lớn thứ 5 kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ sau cuộc cấm vận dầu lửa của thế giới Arab vào năm 1973, Cách mạng Hồi giáo Iran 1978, chiến tranh Iran-Iraq 1980, và chiến tranh Iraq-Kuwait vào năm 1990.

Vấn đề nằm ở chỗ không có một giải pháp dễ dàng nào để bù đắp sự gián đoạn nguồn cung dầu Nga. Ngay cả trong trường hợp các nước xả dự trữ dầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng, và Iran và Venezuela được dỡ trừng phạt, Goldman Sachs cho rằng thị trường dầu thế giới vẫn “không có nệm đỡ nào cả”. Một tình huống như vậy đòi hỏi “sự sụt giảm nhu cầu do giá cao” như một cơ chế để cân bằng cung-cầu, ngân hàng Mỹ cảnh báo.

Nói cách khác, thế giới sẽ buộc phải tiêu thụ dầu ít đi. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế sẽ bị thiệt hại.

Trong báo cáo này, Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent bình quân trong năm nay lên 135 USD/thùng, từ mức 98 USD/thùng đưa ra trước đó. Theo Goldman Sachs, trong năm tới, giá dầu Brent sẽ bình quân 115 USD/thùng, thay vì 105 USD/thùng như dự báo trước.

Các hãng dầu lửa của Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh sản lượng để tranh thủ giá dầu cao. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ tăng khá chậm chạp do các công ty này tập trung vào việc trả cổ tức cho cổ đông và mua lại cổ phiếu.

“Sự phản ứng với giá dầu cao của nguồn cung dầu đá phiến sẽ còn ở mức hạn chế trong một thời gian, vì các mỏ dầu cần có thời gian để khoan tìm và khai thác. Chưa kể, các hãng dầu khí cũng thận trọng và ngành dịch vụ dầu khí đang bị thắt chặt”, Goldman Sachs nhận định, cho rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ không nên được trông chờ là lực lượng để “giải cứu” thị trường dầu toàn cầu khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt bình quân 12 triệu thùng/ngày trong năm nay. Con số này này không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 2, thời điểm trước khi giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, có một tin tốt là EIA nâng mạnh dự báo sản lượng dầu của Mỹ năm 2023, cho rằng năm tới, mỗi ngày Mỹ sẽ sản xuất bình quân được 13 triệu thùng dầu. Con số này cao hơn so với dự báo trước đó là 12,6 triệu thùng/ngày.

Kỷ lục cũ của sản lượng dầu bình quân hàng ngày trong một năm của Mỹ được thiết lập vào năm 2009, khi nước này sản xuất 12,3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Chuyên đề